Dạy học môn Lịch sử: Tránh càng gỡ càng rối

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 ở bậc THPT gồm cả 2 phần tự chọn và bắt buộc, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã bày tỏ lo ngại về tính khả thi cũng như hình thức triển khai sao cho hiệu quả.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) trong một tiết học Lịch sử theo hình thức dạy học theo dự án
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) trong một tiết học Lịch sử theo hình thức dạy học theo dự án

Giảm tải nội dung trùng lắp 

Ngày 29-6, trao đổi với PV Báo SGGP về triển khai môn Lịch sử trong CT GDPT 2018 ở bậc THPT gồm cả 2 phần tự chọn và bắt buộc, thầy Nguyễn Ngọc Hưng, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM), cho biết, nếu giờ xây dựng lại chương trình đồng nghĩa phải tập huấn lại giáo viên, biên soạn lại sách giáo khoa (SGK). Trong bối cảnh năm học mới hơn 2 tháng nữa sẽ bắt đầu, chắc chắn không kịp triển khai từ đầu năm học 2022-2023. Chưa kể, đây là cách làm vừa tốn kém vừa lãng phí nên sẽ không hiệu quả, không cần thiết “đập đi xây lại” những gì đã chuẩn bị suốt 3 năm qua. Thay vào đó, dựa trên khung chương trình đã có, Bộ GD-ĐT hướng dẫn giáo viên linh hoạt sắp xếp chủ đề dạy học phù hợp đặc thù riêng của địa phương và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của đơn vị. Hiện nay, môn Lịch sử khối 10 được thiết kế 105 tiết, trong đó 70 tiết dạy kiến thức cốt lõi và 35 tiết cho hoạt động ngoại khóa, chuyên đề. Nếu yêu cầu môn này thiết kế lại gồm 2 phần tự chọn và bắt buộc thì phần bắt buộc chính là các chủ đề kiến thức cốt lõi.

Tuy nhiên, do được triển khai đại trà nên phần nội dung bắt buộc phải thiết kế sao cho phù hợp tất cả đối tượng học sinh cả ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Riêng các chuyên đề cho học sinh chuyên sâu ở khối 10 gồm “Các lĩnh vực sử học”, “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam” và “Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử” cần triển khai theo hướng mở, phù hợp khả năng tiếp nhận của học sinh và điều kiện thực tế các đơn vị. 

Theo cô Phạm Thị Bích Tuyền, Tổ trưởng chuyên môn Lịch sử, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), SGK Lịch sử hiện đã biên soạn theo hướng phân ban (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) nên khối lượng kiến thức khá nhiều. Nếu chia đều 105 tiết học cho 35 tuần/năm học, học sinh phải học 3 tiết Lịch sử/tuần. Nếu triển khai đại trà sẽ ảnh hưởng thời lượng các môn khác, môn học nào sẽ giảm tiết để tăng thời lượng môn Lịch sử? Trong điều kiện không thể in lại SGK, cô Bích Tuyền kiến nghị triển khai theo hình thức giảm tải, tức quy định phần nào dành cho học sinh đại trà, phần nào cho học sinh có nhu cầu nâng cao.

Thêm nữa, trong chuyên đề triển khai ở khối 10, vẫn còn sự chồng chéo nội dung giữa các môn học. Cụ thể, chuyên đề “Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử” trùng lắp nội dung với môn Giáo dục công dân. Chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam” có phần trùng với môn Địa lý. Việc ôm đồm kiến thức trong điều kiện thời lượng triển khai còn hạn chế khiến việc học trở nên nặng nề. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn giảm tải nội dung trùng lắp giữa các môn học, sắp xếp lại nội dung cho phù hợp tất cả đối tượng học sinh.

Thiết kế chương trình còn nhiều bất cập

Trước những thay đổi trong định hướng triển khai môn Lịch sử ở bậc THPT, nhiều phụ huynh và học sinh đặt câu hỏi, một khi thiết kế lại chương trình môn học, Bộ GD-ĐT cần công bố định hướng đề thi tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng dạy học một đằng, đề thi một nẻo. Trước đây, Lịch sử là một trong những môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng từ khi kỳ thi được thiết kế lại theo hướng phân ban, chỉ học sinh nào chọn ban khoa học xã hội mới thi Lịch sử. Môn Lịch sử được triển khai đại trà thì định hướng phân ban có ảnh hưởng? Người học cần một kế hoạch đồng bộ giữa dạy học và kiểm tra đánh giá, không thể học theo phương pháp mới nhưng kiểm tra quay về kiểu “tầm chương trích cú”. 

Một vô lý khác đang được nhiều giáo viên bậc THCS phản ánh là hiện nay CT GDPT 2018 gộp chung 2 phân môn Lịch sử và Địa lý thành một môn học giảng dạy ở bậc THCS. Đây là một sự lãng phí lớn về kinh phí đào tạo khi yêu cầu giáo viên bộ môn Lịch sử tập huấn ngắn hạn để dạy môn Địa lý và ngược lại, đồng thời thể hiện sự thiếu sự nhất quán trong triển khai chương trình giữa các bậc học. Chưa kể, đề kiểm tra định kỳ hiện nay ở khối 10 và 11 vẫn thiết kế theo hình thức tự luận, trong khi thi tốt nghiệp THPT lại theo hình thức trắc nghiệm. 

Hiện tại, cán bộ quản lý và giáo viên Lịch sử các trường THPT như ngồi trên lửa trước thay đổi vào… phút 90 về triển khai môn Lịch sử trong CT GDPT 2018 ở bậc THPT. Trước đó, các trường đã chốt phương án tổ hợp môn triển khai ở lớp 10 năm học 2022-2023. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố sớm các tổ hợp môn học nhằm giúp học sinh và phụ huynh đăng ký nguyện vọng lớp 10 phù hợp định hướng nghề nghiệp. Nay với việc điều chỉnh phân phối chương trình khiến nhiều trường THPT xáo trộn kế hoạch dạy học cũng như bố trí nhân sự. Các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn, nếu thời gian quá ngắn có thể nghiên cứu triển khai từ năm học sau.

Tin cùng chuyên mục