Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đến Đại hội đại biểu các nhà viết văn trẻ toàn quốc với hành trang là một loạt giải thưởng của Bộ Công an - Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tạp chí Nhà văn, Giải vàng Sách hay với các tác phẩm Biển xanh màu lá, Sát thủ Online, Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa… và gần đây cuốn tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám Có tiếng người trong gió mới ra mắt và nhận được sự quan tâm của độc giả cả nước. Với anh, sự dấn thân, nhập cuộc của các nhà văn trẻ trong thời điểm này chính là phải tìm được đường đi của mình và đây là thời của những nhà văn thông minh…
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
Phóng viên: Thời của những nhà văn thông minh, anh có thể nói rõ hơn về điều này được không?
Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY: Không giống như trước, hiện nay thị phần văn học được chia ra nhỏ, quá nhỏ và mỗi người viết chỉ có thể theo đuổi dòng văn học mình hướng tới và chăm sóc được đối tượng độc giả của riêng mình. Ví dụ như Di Li chẳng hạn, cô ấy đã từng đoạt giải với tác phẩm văn học chính thống nhưng giờ đây cô ấy “đóng đinh” và theo đuổi dòng văn học trinh thám, kinh dị. Mỗi ngày các tác phẩm của cô ấy xoáy sâu hơn, khai thác kỹ hơn dòng văn học ấy và tất nhiên cô ấy cũng giữ được nhiều độc giả, thậm chí lượng người đọc tác phẩm của cô ấy lớn hơn nhiều lần một số tác giả muốn ôm cả thế giới vào lòng… Hay có những tác giả thông minh như Phan Hồn Nhiên, cô ấy chỉ đi theo dòng fantasy - văn học giải trí… Cô ấy đi học cập nhật các lớp bồi dưỡng viết ở Mỹ, xuất bản những tác phẩm được in ấn đẹp, phát hành lớn và đông bạn đọc…Đó chính là thành công và hạnh phúc của người viết. Hay như Minh Nhật, cũng là một mô hình thành công khi tác giả này không xuất hiện nhiều trên báo chính thống nhưng đã xây dựng được cho mình lượng độc giả đông đảo tới mức xếp hàng chắn kín cả lối đi vào của công viên Thống Nhất trong ngày hội sách để xin chữ ký… Tôi cho rằng những người viết trẻ không cần phải học hỏi những người đi trước quá xa mà ngay trước mắt họ. Đó chính là những tác giả thông minh.
Có quan điểm cho rằng mảng văn học giải trí thiếu quá, yếu quá, ít quá… người viết cần phải viết nhiều hơn về mảng này để giành lại thị phần trong nước đang bị các tác phẩm nước ngoài lấn lướt và đây cũng chính là sức đề kháng tự thân của chúng ta. Quan điểm của anh về điều này thế nào?
-Thực tế dễ nhận thấy là mảng văn học giải trí thực sự đang bị lấn lướt bởi các tác phẩm nước ngoài. Chúng ta cũng có một vài cây bút trẻ theo đuổi dòng văn học này. Có những người tiếp cận với bạn đọc từ những trang viết trên mạng rồi mới xuất bản báo giấy, có những bạn viết sách có hàng trăm fan hâm mộ xếp hàng để xin chữ ký như những ngôi sao showbiz… Đó là điều mừng cho các bạn trẻ khi họ đạt được thành tựu trên con đường viết lách mà họ lựa chọn. Song số lượng này chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh để có được vị trí đáng kể trên thị trường. Tôi mong có nhiều bạn trẻ có sức bật tốt hơn để có thể giành giật lại thị phần ấy, để có thể thu được khoản nhuận bút tốt hơn từ các nhà xuất bản thay vì việc các nhà sách phải đi mua bản quyền từ nước ngoài, trả nhuận bút cho dịch giả… Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc hô hào các nhà văn, các cây bút trẻ hãy viết ngôn tình đi để cân bằng cán cân thị trường…
Trong khi đội ngũ viết văn lớn tuổi kỳ vọng và mong muốn lớp trẻ sẽ chuyển tải nhiều hơn thông điệp của thời đại qua những tác phẩm, còn độc giả trẻ thì cũng chưa tìm thấy những điều mình mong muốn ở những tác phẩm này. Điều đó phải chăng đang phản ánh sự hoang mang của các cây bút trẻ?
-Tôi nghĩ rằng các tác phẩm không có trẻ và không có già. Những người viết văn lâu năm có thể đưa thông điệp mình mong muốn vào chính các tác phẩm của mình, theo đúng quan niệm và suy nghĩ của họ. Còn lứa trẻ, cũng có quyền được thể hiện quan niệm và suy nghĩ theo cách họ cảm nhận, tuyên ngôn thời đại của họ, không ai có thể nói thay nhau được. Một trăm bạn trẻ có thể có một trăm cách suy nghĩ và chúng ta tôn trọng điều đó. Có những người viết hàng trăm tác phẩm nhưng không có một dòng nào liên quan tới chính trị, có người chỉ thích viết truyện ngôn tình… đó là lựa chọn của riêng họ, tôi không phán xét điều ấy thậm chí quan điểm của tôi là cần phải trân trọng những tác phẩm ấy nếu nó đạt được thành tựu.
Theo tôi, xu hướng này chỉ thực sự được coi là có vấn đề khi mà 100 người thì 99 người chọn viết ngôn tình… Tôi có quyền đi theo cách tôi muốn và các bạn trẻ khác cũng vậy. Trời bể bao la, mỗi người chọn một con đường, khuynh hướng sáng tác. Quan trọng là họ đạt được kết quả gì. Qua các tác phẩm in ấn, lượng bạn đọc đến với họ, cách các nhà sách chào đón họ… họ đã xác lập được tên tuổi, khả năng và có thị phần bạn đọc… đó chính là những thành tựu mà các cây viết trẻ đạt được bằng cách tự thân của họ. Giờ họ đã biết tận dụng nhiều kênh khác nhau hỗ trợ cho họ tiếp cận với bạn đọc. Ưu điểm đáng ghi nhận nhất là các cây bút trẻ, họ viết và tìm đến với bạn đọc một cách chủ động thay vì thụ động ngồi chờ đợi hoặc thông qua các nhà sách truyền thống.
Có ý kiến cho rằng nhiều tác giả ăn khách coi những thứ họ viết ra là văn nhưng thực chất đó chỉ là những tác phẩm ngôn tình… Anh nghĩ gì về điều này?
- Không nên suy nghĩ cực đoan như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là văn, là văn giải trí và tôi ghi nhận những nỗ lực, những đóng góp của những tác giả theo đuổi con đường này khi nỗ lực kéo lại cán cân của thị trường. Phải trân trọng họ khi những tác phẩm của họ có nhiều người đón đọc và nếu các tác phẩm ấy được chuyển thể thành phim hay thậm chí có thể xuất khẩu, bán bản quyền ra nước ngoài như sách ngôn tình của Trung Quốc, hay dòng truyện tranh Nhật Bản hiện nay thì càng tốt chứ sao…Vấn đề là mình làm được đến đâu, thành công đến đâu.
Con đường sáng tạo văn chương là độc lập, tại sao phải hội hè làm gì? Có người đã đặt câu hỏi như vậy trước thềm Đại hội đại biểu các nhà viết văn trẻ toàn quốc. Mong muốn của những người tổ chức hội nghị không chỉ là tựu lại cho đông, vui mà sau hết là diễn đàn để mọi người được lắng nghe, được chia sẻ để cùng biết mình đang ở vị trí nào, những người xung quanh ta là ai… Có thể những điều đưa ra thảo luận, tham vấn tại đây chưa tác động nhiều đến quan niệm, xu hướng sáng tác nhưng tôi tin khi trở về ai cũng có những thu hoạch cho riêng mình.
Xin cảm ơn anh!
MAI AN thực hiện