Đẩy mạnh công nghệ, tăng xuất khẩu nông sản

Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm nhiều ở thị trường Trung Quốc, trong khi lại tăng mạnh ở Thái Lan (hơn 50 triệu USD, tăng 308%), Nga (hơn 14 triệu USD, tăng 220%) và Lào (hơn 13 triệu USD, tăng 190%) so với cùng kỳ năm 2019. Để giữ vững thị trường hậu Covid-19, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý chất lượng, logistics… vào sản xuất nông nghiệp.

Cơ hội mở rộng thị trường

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), hàng năm Thái Lan chi hơn 1 tỷ USD nhập trái cây tươi và khoảng 600 triệu USD nhập rau củ. Trong khối ASEAN, Thái Lan là thị trường đứng đầu nhập khẩu nông sản, nhất là mặt hàng trái cây, rau quả tươi của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký VinaFruit, cho hay, trong những tháng bùng phát Covid-19, nhiều mặt hàng Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Thái Lan. Để bù đắp thị trường, doanh nghiệp Thái Lan tăng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thái Lan hạn chế về sản xuất rau củ và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Thái Lan là “thủ phủ” chế biến ở ASEAN nên sẽ tăng cường nhập khẩu rau củ quả để chế biến xuất khẩu. Một lợi thế nữa, Thái Lan có lượng khách du lịch quốc tế rất nhiều. Cùng với đó, nhiều siêu thị Thái Lan cũng nhập khẩu rau quả Việt Nam.

Đẩy mạnh công nghệ, tăng xuất khẩu nông sản ảnh 1 Doanh nghiệp Việt Nam cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn để nâng cao giá trị gia tăng 
cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu

Ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận, hiện nay rau quả Việt Nam đang có 4 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Không chỉ Thái Lan, nhiều nước ASEAN không có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nên đây là cơ hội để Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, hiệp định thương mại giữa các nước ASEAN tạo thuận lợi cho hàng hóa thông thương và được miễn giảm thuế. Do đó, Bộ NN-PTNT cần đàm phán với các nước để mở rộng nhiều mặt hàng nông sản xuất bán.

Trước khi tăng sản lượng xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh trên thị trường, chất lượng chưa đạt chuẩn, sản phẩm còn thô. Bên cạnh đó, rau quả chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa kiểm soát chặt chẽ được việc mua bán, chuỗi liên kết chưa bền vững.

Dù nhân công rẻ, tài nguyên có sẵn nhưng giá nông sản vẫn cao, khó cạnh tranh do chi phí vận chuyển đắt. Trong khi các nước khác trong khu vực chi phí vận chuyển chỉ dao động 10% trị giá lô hàng và được nhà nước hỗ trợ vận chuyển bằng đường hàng không, đường sắt (chưa kể có quốc gia miễn phí đường bộ cho xe tải đang chở nông sản đi trên đường cao tốc).

Tăng cường số hóa

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, chia sẻ, nhiều DN đang chuyển đổi số hóa nhưng chi phí vận hành nền tảng công nghệ đang rất cao. Khó khăn hiện nay là mỗi DN số hóa theo một phần mềm riêng, không thống nhất, gây cản trở giao dịch.

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trung tâm logistics đúng nghĩa để kết nối các phương tiện vận chuyển nên rất cần một hiệp hội công nghệ đứng ra làm cầu nối tập hợp, hình thành một sàn giao dịch thương mại điện tử. Bài toán giảm chi phí vận chuyển có thể dựa trên việc xây dựng phần mềm thông minh, như Grab, Uber. Bởi hiện nay, nhiều xe tải thường chạy rỗng chiều về, trong khi DN lại không có dữ liệu, thông tin để liên hệ.

Để tăng giá trị xuất khẩu, các khâu trao đổi hàng hóa cần phải được kiểm soát chặt chẽ, như xây dựng sàn thương mại điện tử, nâng cao kênh bán hàng, thanh toán bằng số hóa, họp trực tuyến… Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp công nghệ số Việt Nam (VIDA), bày tỏ, hiện nền tảng CNTT của Việt Nam đang rất tốt. Nhiều DN nông nghiệp ở Mỹ còn phải nhờ CNTT của Việt Nam hoặc Ấn Độ hỗ trợ phát triển.

Việt Nam có sẵn nguồn đủ “cây nhà lá vườn” sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Bức tranh sản xuất nông nghiệp tương lai sẽ được số hóa mạnh mẽ. Sau khi sản phẩm kết nối với thị trường, DN sẽ chuyển đổi số hóa trong quản trị, sản xuất. Trong tương lai, VIDA cũng sẽ phối hợp các DN công nghệ để xây dựng nhiều phần mềm về logistics.

DN cần hướng đến hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử; trong khi nông dân cũng phải trang bị năng lực sản xuất công nghệ số để tạo thành chuỗi liên kết số hóa bền vững. Dự kiến, trong tháng 9, VIDA sẽ tổ chức hội chợ ảo và thường xuyên mở các hội nghị trực tuyến.

Việt Nam chỉ đạt hơn 40 tỷ USD trong tổng trị giá xuất khẩu nông nghiệp trên thế giới (khoảng 15.000 tỷ USD). Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ NN-PTNT, bộ đang ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi tái cơ cấu ngành hàng, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất đáp ứng thị trường, với sản phẩm chất lượng tốt hơn, có giá cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục