Hội chứng “cô đơn” trong trường học
Chia sẻ về một trong những lần làm “bác sĩ tâm lý” khó quên nhất của mình, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết từng nhận cuộc gọi lúc nửa đêm của học trò. Đầu dây bên kia, giọng học sinh thổn thức: “Thầy ơi con mệt quá. Con muốn ngủ một giấc thật dài rồi biến mất luôn”. Lúc đó nhanh trí, thầy đã lựa lời an ủi học trò, viện lý do điện thoại sắp hết pin, cần ngưng cuộc gọi để sạc pin nhưng thực tế thầy đã tranh thủ gọi ngay cho phụ huynh của em. “Tôi trao đổi với phụ huynh về tâm trạng của em và mong gia đình có người xuống trò chuyện, ngủ cùng em suốt đêm đó”, thầy Công Chính kể lại. Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, thầy chia sẻ, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn các em cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của cơ thể, tò mò các vấn đề về giới tính và tình dục. Ở giai đoạn này, học sinh chưa đủ kinh nghiệm sống để tự giải quyết những vấn đề cá nhân nhưng tính tự trọng cao, có khuynh hướng không làm theo lời người lớn mà chỉ mong tìm kiếm sự đồng cảm. Nếu không được chia sẻ, học sinh dễ rơi vào trạng thái cô đơn, chọn cách tiêu cực để giải tỏa sự cô đơn đó như tìm các mối quan hệ ảo trên mạng xã hội, có hành vi nổi loạn, thậm chí tìm đến cái chết để khẳng định “cái tôi” của mình.
Đồng quan điểm, giáo viên dạy ngữ văn một trường THPT ở quận Phú Nhuận bày tỏ, sự phát triển quá nhanh của thiết bị công nghệ với công cụ giao tiếp ảo trên mạng, các phần mềm kết bạn trực tuyến dễ khiến học sinh rơi vào tình trạng mất kiểm soát mối quan hệ cá nhân. Thêm vào đó, tác động không nhỏ từ phim ảnh, sách báo khiến các em ảo tưởng về các khái niệm “hạnh phúc”, “được yêu thương”, từ đó dẫn đến hành động tiêu cực. Có em bị trầm cảm vì sự thiếu quan tâm của bố mẹ, có em buồn vì cảm thấy lạc lõng giữa gia đình; mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo cũng khiến học sinh rơi vào trạng thái mất cân bằng tâm lý.
Theo thầy Phan Ngọc Cẩn, giáo viên kiêm phụ trách Phòng Tư vấn học đường, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, giáo viên không thể bị động ngồi chờ các em “có việc mới tìm đến mình” mà phải chủ động tổ chức nhiều hoạt động để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh, qua đó tạo sợi dây gắn kết thầy - trò giúp học sinh tin tưởng, dễ dàng chia sẻ những vướng mắc đang gặp phải.
Thiếu cơ chế tuyển dụng
Ngày 28-12-2018, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Theo đó, trường học cần thực hiện nhiều nội dung liên quan đến công tác xã hội như chủ động phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến người học; phát hiện kịp thời các vụ việc liên quan đến người học như bị xâm hại, bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; tổ chức các hoạt động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất nguy cơ, đồng thời thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp đối với người học, giúp các em hòa nhập cộng đồng sau khi được can thiệp tâm lý. Như vậy, công tác xã hội có chức năng rộng hơn tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 12, thông tư này cũng nêu rõ, trường học bố trí nhân sự kiêm nhiệm làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội trong trường học. Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khả năng tự cân đối tài chính, tùy thuộc vào điều kiện thực tế có thể hợp đồng với cán bộ chuyên trách triển khai công tác xã hội trong trường học. Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện phần lớn trường học sử dụng giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường, chỉ một số ít đơn vị hợp đồng với nhân viên chuyên trách. Nguyên nhân là do vị trí này chưa được quy định rõ ràng trong đề án vị trí việc làm của các đơn vị, áp lực công việc nhiều nhưng đãi ngộ chưa tương xứng.
Cô Phương Thị Cẩm Vân, Tổ công tác xã hội Trường THCS Lạc Hồng, cho biết, trường có 2 cơ sở nên đã hợp đồng với 2 nhân viên phụ trách công tác xã hội. Dù được đào tạo chính quy chuyên ngành công tác xã hội nhưng khi làm việc thực tế, cô Cẩm Vân và cộng sự phải vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm các lớp để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh. Ngoài ra, người làm công tác xã hội cũng chính là cầu nối giữa các thành viên trong trường, hỗ trợ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết, trước mắt để giải quyết khó khăn về nhân sự, trường đã tổ chức ban tư vấn học đường gồm các thầy cô giáo có độ ảnh hưởng lớn, có tính cách gần gũi, hòa đồng, được nhiều học sinh yêu mến. Khi học sinh có bất kỳ khó khăn gì về học tập, bị bạn bè trêu chọc hoặc quấy rối có thể chia sẻ ngay với thầy cô giáo mình tin tưởng nhất. Mọi thông tin học sinh cung cấp đều được cam kết giữ bí mật, trường hợp cần thiết sẽ trao đổi riêng với phụ huynh để có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, hướng dẫn học sinh cách hành xử phù hợp.