Đẩy mạnh kiểm định các chương trình đào tạo

Sau thời gian dài nỗ lực kiểm định cấp cơ sở đào tạo (cấp trường), hiện nay, nhiều trường đại học (ĐH) tiếp tục đẩy mạnh kiểm định các chương trình đào tạo. Đáng nói là ngoài việc kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước, các trường nỗ lực kiểm định theo tiêu chuẩn của khu vực, chuẩn kiểm định của châu Âu và Mỹ với mục đích nâng chất lượng cho các trường và cả người học.
Đẩy mạnh kiểm định các chương trình đào tạo

Quan tâm chuẩn quốc tế

Sau các Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Duy Tân, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, hiện Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có một số chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn kiểm định ABET (hội đồng đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ). TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, ngay khi hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường vào năm 2015, nhà trường bắt đầu tiến hành kiểm định chất lượng cấp CTĐT theo chuẩn trong nước và quốc tế. Để hiện thực hóa điều này, trường đã ban hành kế hoạch kiểm định các chương trình và xây dựng lộ trình kiểm định theo nhiều bộ tiêu chí khác nhau. Năm 2016, nhà trường đã ban hành quyết định xây dựng 6 CTĐT (Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật cơ khí và Công nghệ chế tạo máy) đầu tiên theo chuẩn ABET, cử 7 giảng viên tham gia khóa đào tạo do ABET tổ chức tại Mỹ. Sau đó, nhiều buổi tập huấn lan tỏa được tổ chức tại trường với các chuyên gia đến từ ABET. Đặc biệt, để đáp ứng tiêu chuẩn của ABET về cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm trọng điểm đã được nhà trường đầu tư xây dựng, trong đó có phòng thí nghiệm thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. 

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), tại Việt Nam, công tác đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH được quan tâm triển khai từ năm 2003 và thời gian gần đây, công tác kiểm định chất lượng đã được các cơ sở đào tạo hết sức quan tâm, đặc biệt là kiểm định CTĐT. Nhờ đó, công tác kiểm định trong nước cũng đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện qua việc có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đơn vị đạt chuẩn kiểm định ở cả cấp trường và cấp CTĐT. TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho biết, ĐH Quốc gia TPHCM không chỉ là đơn vị dẫn đầu cả nước về số chương trình, đơn vị đạt chuẩn kiểm định mà còn là đơn vị tiên phong tiếp cận các chuẩn kiểm định khu vực, quốc tế. Tính đến tháng 10-2022, ĐH Quốc gia TPHCM đã có 102 CTĐT đạt chuẩn kiểm định và 100% trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định cấp trường theo chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế. 

Xây dựng văn hóa chất lượng

Hiện nay, không chỉ các trường ĐH công lập mà các trường ĐH tư thục cũng nỗ lực để kiểm định CTĐT theo chuẩn khu vực và quốc tế. TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, nhìn nhận, kiểm định chất lượng CTĐT luôn được trường xem là đợt “kiểm tra sức khỏe toàn diện”. Đánh giá khách quan từ các tổ chức uy tín sẽ là căn cứ quan trọng để các đơn vị quản lý ngành học nói riêng và toàn trường nói chung liên tục cải tiến để phục vụ, chăm sóc người học tốt hơn. Kiểm định chất lượng không thực hiện một lần mà phải làm theo chu kỳ (thông thường là 5 năm) nên đặt ra yêu cầu cho nhà trường phải nỗ lực vận hành hệ thống theo kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và hành động. Công tác này có ý nghĩa to lớn đối với bất kỳ cơ sở giáo dục nào trong xu thế tự chủ và bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

Theo một kiểm định viên của ĐH Quốc gia TPHCM, trước khi được đánh giá, cơ sở đào tạo phải thực hiện công tác tự đánh giá. Hoạt động này là cơ hội giúp các đơn vị tự nhìn nhận, đánh giá về các điểm mạnh, tồn tại một cách có hệ thống. Kết quả kiểm định cung cấp góc nhìn từ các chuyên gia bên ngoài trường, do vậy kết quả không những thể hiện mức độ đạt yêu cầu của bộ tiêu chuẩn mà còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hiện trạng của đơn vị, các thông tin đối sánh, kinh nghiệm thực tiễn tốt từ các cơ sở đào tạo khác. Các khuyến nghị của đoàn chuyên gia kiểm định có tác động thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng liên tục của đơn vị. Kết quả kiểm định được công nhận trong thời hạn nhất định, do vậy sau khi đạt chuẩn kiểm định, đơn vị phải triển khai các hoạt động cải tiến liên tục để đáp ứng các yêu cầu của đợt đánh giá ở những chu kỳ tiếp theo.

TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng, việc đạt chuẩn kiểm định, đặc biệt là kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế giúp tăng sự hội nhập với bên ngoài, tăng cơ hội việc làm trong môi trường làm việc quốc tế cho người học sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, việc kiểm định thể hiện cam kết về chất lượng của trường và giúp các trường thực hiện trách nhiệm giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và toàn xã hội về thực trạng chất lượng của CTĐT. Kiểm định CTĐT không có nghĩa là chỉ tập trung đánh giá về nội dung, kiến thức của chương trình mà đánh giá toàn diện về tất cả các yếu tố liên quan đến hoạt động đào tạo của chương trình như về CTĐT, nguồn lực, đầu ra, hệ thống quản lý, các hoạt động hỗ trợ người học, hệ thống đảm bảo chất lượng… 

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 35% CTĐT được kiểm định. Tuy nhiên, hiện nay toàn hệ thống giáo dục ĐH mới chỉ có khoảng 10% chương trình đã được kiểm định. Số liệu mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 609/6.000 CTĐT ĐH chính quy đã được kiểm định. Trong đó, 373 chương trình (của 72 trường ĐH) được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước, 236 chương trình (của 41 trường ĐH) được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Chưa có trường nào có 100% chương trình đã được kiểm định, mà phần lớn các trường chỉ chọn những chương trình mạnh nhất của mình để triển khai kiểm định trước.

Tin cùng chuyên mục