Đẩy mạnh sản xuất phim Việt: Cần giải pháp đồng bộ

“Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt”- bài toán chưa tìm được lời giải lại một lần nữa trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi, thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà sản xuất phim trong và ngoài nước, tham dự tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ I.

 10 phim/ 86 triệu dân/năm?
 
Là người dẫn dắt buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh đã không khỏi buồn rầu thừa nhận, số lượng phim sản xuất hàng năm chỉ ở mức trên dưới 10 phim trong suốt thập niên qua là chưa phù hợp với thị trường điện ảnh có hơn 86 triệu dân như Việt Nam. Vào thập niên cuối của thế kỷ trước, có năm Việt Nam đã sản xuất được hơn 20 bộ phim, năm 1992 đạt tới hơn 30 bộ phim.
Nhưng trong nhiều năm gần đây, khi chi phí sản xuất phim truyện tăng nhanh cùng với sức hút mạnh mẽ của phim truyền hình, khiến nhân lực điện ảnh cũng vì thế mà phân tán, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim Việt. Sẽ không phải quá ngoa ngôn khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người đang đi bằng cả “hai chân”, vừa làm trong hãng phim nhà nước và thành lập hãng phim tư nhân, đã ví điện ảnh Việt Nam như một cơ thể xanh xao, gầy mòn. Theo ông, cơ thể này cần phải có được phương thuốc đặc trị… Mỗi năm, điện ảnh Việt Nam cho ra đời 10 phim truyện nhựa. Con số quả là quá ít ỏi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm than, vì thế cũng dễ hiểu vì sao mỗi bộ phim nhựa ra đời, không mấy ai nỡ chê.
 
TS Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã đưa ra con số so sánh: 1 triệu dân Hàn Quốc có 2 phim, 1 triệu dân Thái Lan có 1,5 phim, 1 triệu dân Malaysia có 1 phim, còn 1 triệu dân Việt Nam có 0,14 phim… Như vậy là quá thấp.  Có thể nói phim tốt nhiều, nhưng phim hay, hấp dẫn còn quá ít. Trừ các phim của tư nhân, còn phim của nhà nước đầu tư hầu như không có doanh thu… Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất phim, đưa nền điện ảnh nước ta phát triển cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ trên cả ba khâu cốt lõi là sản xuất, phổ biến phim và nhân lực… Trong đó, đầu tư cho sản xuất phim cũng có nghĩa phải khuyến khích đầu tư xây dựng rạp.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ một nền điện ảnh đã tạo nên “làn sóng” tại châu Á, ông Kim Ji Seok - đồng Giám đốc Chương trình LHP quốc tế Pusan cho rằng, thị trường điện ảnh nhiều tiềm năng của Việt Nam cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía cơ quan chức năng, cũng như sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty tư nhân.
 
 Không bán được vé, điện ảnh sẽ chết

“Không bán được vé thì điện ảnh sẽ chết!” - đạo diễn Lê Hoàng, người được coi là khá thành công trong cả mảng phim nghệ thuật và phim thị trường, khẳng định. Hiện nay, ai cũng cho rằng mình nhận được thù lao chưa xứng đáng, nhà biên kịch thì muốn trả nhuận bút cao hơn; đạo diễn, diễn viên, người quay phim… tất cả đều có mong muốn có được thu nhập cao hơn từ việc làm nghề. Song nếu thỏa mãn điều này thì phải dựa trên sức tiêu thụ của thị trường. Đạo diễn Lê Hoàng tâm sự: “Tôi từng dự nhiều LHP quốc tế, kể cả Pusan hay Singapore. Mấy năm gần đây, tôi không đi nữa, đơn giản vì tôi không thấy tự hào lắm khi đứng ở đó nữa (không phải vì các BTC LHP không nhiệt tình).
Với tôi, điều quan trọng hơn cả trong lúc này là khán giả trong nước đánh giá và đón nhận tác phẩm của mình như thế nào. Trong lịch sử điện ảnh thế giới chưa từng có nền điện ảnh nào được tôn vinh ở nước ngoài mà sống “èo uột” với lượng khán giả ít ỏi”. Đạo diễn này cũng phân tích thực tế khán giả mua vé đến rạp đa phần là người trẻ. Phim mang tiếng chiếu toàn quốc, nhưng khoảng 70% vé bán ở TPHCM, 20% ở Hà Nội, còn khoảng 10% là ở tất cả các tỉnh, thành phố khác. Như vậy, việc làm phim không phải là hướng tới cả 86 triệu dân, mà là hướng tới khán giả trẻ thành thị. Người trẻ ở thành thị hiện nay quan tâm tới điều gì? Họ có quan tâm tới quá khứ và hiện tại, nhưng quan trọng nhất là cuộc sống hôm nay…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đầu tư cho nền điện ảnh không nên quá phụ thuộc vào nhà nước mà nên kêu gọi sự vào cuộc của tư nhân. Việc đào tạo nhân lực đòi hỏi sự đầu tư lớn, lâu dài, có tính chiến lược thì nên trông cậy vào nhà nước, còn những vấn đề khác như xây dựng rạp chiếu chẳng hạn, tốt hơn cả là dành cho tư nhân. Cùng chung quan điểm này, ông Phillip Cheah, Giám đốc LHP quốc tế Singapore, cho rằng người làm điện ảnh phải biết lắng nghe và trao đổi với khán giả. Ở Singapore, sản xuất phim là ngành công nghiệp hoàn toàn độc lập với chính phủ, nó thuộc sở hữu tư nhân và việc tham gia tích cực của tư nhân đã giúp điện ảnh nước này phát triển nhanh chóng như ngày nay. Ông cũng hy vọng rằng kinh nghiệm này sẽ hữu ích với điện ảnh Việt Nam.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục