Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và các công trình dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Thông báo kết luận nêu rõ, về phương án quản lý, khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2760/VPCP-CN ngày 25-9-2019; trong đó lưu ý làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng đề án cũng như thẩm quyền quyết định các vấn đề có liên quan, nhất là công tác thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí. Đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải. Tuyến đường cao tốc dài gần 40km này đã tạm dừng thu phí từ đầu năm 2019 mà chưa thông báo ngày thu phí trở lại. Do không thu phí, các xe container, xe tải trọng nặng đã bỏ tuyến quốc lộ 1 song song sang chạy trên cao tốc, khiến tuyến đường quá tải và xuống cấp nhanh chóng. Hiện lưu lượng xe trên toàn tuyến đã tăng khoảng 31% so với trước đây, trung bình khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm, vượt quá năng lực lưu thông, khiến ngành chức năng phải giảm tốc độ từ 120km/giờ xuống còn 100km/giờ (tối đa) và tốc độ tối thiểu từ 80km/giờ xuống còn 60km/giờ.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án, điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai dự án này. Thời gian thi công xây dựng không còn nhiều, vì vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhà đầu tư dự án phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng (đặc biệt lưu ý nền đất yếu ở khu vực này), tuyệt đối an toàn lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm đàm phán để ký lại hợp đồng tín dụng cho dự án, sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại không đặt thêm các điều kiện khác với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư, làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Đối với dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án; yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm khởi công dự án trong quý 1-2020. Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục thành phần cầu chính, bảo đảm khởi công trong quý 1-2020, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng đồng bộ với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2026; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) tại khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được phê duyệt.

° Liên quan kiến nghị của UBND TPHCM, kiến nghị các bộ thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn 2 tuyến Metro, Bộ Tài chính đã có văn bản tham gia ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, về trị giá vốn vay Nhật Bản trong tổng mức đầu tư điều chỉnh, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM xác định rõ tổng mức đầu tư được duyệt là bằng VND hay JPY, căn cứ xác định, tỷ giá quy đổi, trên cơ sở đó làm rõ cơ cấu vốn vay, vốn đối ứng phù hợp theo chế độ quy định. Đối với phần vốn vay, trên cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn vay (điều chỉnh), giá trị vốn vay các hiệp định đã ký kết, để xác định nhu cầu cần vay thêm (nếu có). Trường hợp cần vay thêm, đề nghị TPHCM có đề xuất gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đối với nguồn vốn Ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho UBND TPHCM, căn cứ vào nguyên tắc xác định vốn cấp phát (từ nguồn vốn vay) đề nghị Bộ KH-ĐT rà soát, cân đối vốn phù hợp. Đối với nguồn vốn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đề nghị UBND TPHCM đánh giá khả năng vay, trả nợ, khả năng cân đối nguồn này trong kế hoạch đầu tư công của TP. Đối với nguồn vốn đối ứng đề nghị UBND TPHCM thu xếp phần vốn đối ứng cho dự án theo quy định.

Về biện pháp quản lý, đề nghị UBND TPHCM dự kiến mức dư nợ của từng năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo mức dư nợ trong hạn mức cho phép. Trường hợp mức dư nợ vuợt quá mức cho phép, đề nghị TP giảm vay, tăng bố trí vốn đối ứng trong nước. Đổi với dự toán năm 2020, trên cơ sở dự toán của TPHCM, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang trình cấp có thẩm quyền bố trí cho TP vay lại để thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 là 11.254,74 tỷ đồng.

Về quy trình thủ tục, đề nghị UBND TPHCM rà soát các quy trình thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại khoán 23 điều 1 Nghị định 132/2018/NĐ-CP ngày 1-10-2018 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tổng hợp.

Tin cùng chuyên mục