Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã chính thức được Quốc hội thông qua với rất nhiều điểm mới được các nhà giáo dục, xã hội đồng tình. Trong đó, tính tự chủ của các trường đại học - điều mà các trường mong mỏi đã chính thức được luật hóa bằng các văn bản luật và điều luật một cách rõ ràng.
Sự “cởi trói” trên từ Bộ GD-ĐT được các trường ghi nhận. Bởi nó không chỉ mang đến cho xã hội kỳ vọng về một nền giáo dục hội nhập và phát triển khi các trường tự chủ - tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình. Mặt khác, việc giao quyền tự chủ cho các trường đã cho thấy “tấm áo” của hệ thống GDĐH đã trở nên chật chội, nó đòi hỏi một cơ chế phù hợp để phát triển. Và điều đó đã được Bộ GD-ĐT “giác ngộ” trước áp lực từ nhiều phía.
Việc các trường ĐH được tự chủ trong các hoạt động chính của mình như tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học… thật sự là điều đáng mừng. Vì nó sẽ giúp cho các trường chủ động xây dựng được kế hoạch nhân sự, nâng cao chất lượng đội ngũ, cân đối cơ chế tài chính để xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Tuy nhiên, sự tự chủ ấy gắn liền với không ít thách thức và áp lực mà các trường phải đối mặt khi mà đòi hỏi của người học, sự kỳ vọng của xã hội sẽ ngày càng cao hơn.
Một hiệu trưởng trường ĐH ngoài công lập cho rằng, việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính vốn có của một trường ĐH. Vì vậy, việc đến giờ Bộ GD-ĐT mới chịu “cởi trói” cho các trường là hơi trễ. Ông chia sẻ: “Khi anh chưa đủ điều kiện để thực hiện các giải pháp tự chủ thì anh phải chịu sự quản lý để kiện toàn và ổn định đội ngũ, còn khi anh đã đảm bảo những tiêu chí hoạt động, thỏa mãn các điều kiện xây dựng đội ngũ, chất lượng và quyền lợi người học, anh có quyền đòi hỏi sự tự chủ cho mình. Đó là lẽ đương nhiên và bây giờ Bộ GD-ĐT phải thừa nhận. Tuy nhiên, trong một xã hội có định chế và pháp quyền rõ ràng như nước ta, sự tự chủ sẽ buộc anh phải xây dựng một cơ chế phát triển, đầu tư hợp lý cho trường mình. Bằng không, anh sẽ “chết” ngay khi anh được “tự do” vì thiếu một cơ chế đầu tư nhân lực hiệu quả, đảm bảo được chất lượng đào tạo đầu ra và tôn trọng các nguyên tắc đã ký với người học, sự khẳng định với xã hội”.
Chính vì thế, việc được giao quyền tự chủ sẽ buộc các trường phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh thương hiệu… Và người học tất nhiên sẽ là những đối tượng được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất. Với cơ chế đó, người học có thể chọn lựa cho mình một môi trường đào tạo thật sự chất lượng để theo học, cũng như có quyền yêu cầu đơn vị mình đang theo học nâng cao chất lượng đào tạo, quyền lợi cho mình khi cảm thấy các điều kiện cam kết giữa nhà trường và người học chưa phù hợp.
Bộ GD-ĐT đã thực hiện “cởi trói” triệt để về cơ chế quản lý cho các trường. Dù vẫn còn đó không ít ý kiến băn khoăn về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH kiểu đồng loạt sẽ khiến Bộ GD-ĐT khó kiểm soát và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, bộ vẫn chấp nhận mạo hiểm để gỡ bỏ áp lực, làm hài lòng các trường dù khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH, Bộ GD-ĐT vẫn phải thực hiện việc giao quyền tự chủ dựa trên nguyên tắc các cơ sở của điều kiện năng lực, chiến lược phát triển - hoạt động, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường.
Vì vậy có thể nói, sợi dây cơ chế đã được cởi bỏ, việc các trường có thể cất cánh, nâng cao chất lượng đào tạo hay không phụ thuộc vào chính tầm nhìn chiến lược của các trường.
Mai Ly