Mặc dù tiếng Trung (còn gọi là tiếng Hoa, tiếng Hán) đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TPHCM hơn 10 năm qua nhưng đến nay, môn học này vẫn chưa có giáo trình thống nhất giữa các bậc học, đội ngũ giáo viên còn thiếu, phương pháp giảng dạy chủ yếu tập trung hai kỹ năng đọc và viết, khiến học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp… Làm sao khắc phục tình trạng đó?
Giáo viên và học sinh trong một giờ học tiếng Trung
Mỗi nơi một kiểu
Vừa qua, tại hội thảo “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp đổi mới dạy và học tiếng Trung trong các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân cho biết, toàn TP hiện có 22 trường tiểu học, 8 trường THCS và 1 trường THPT mở lớp dạy tiếng Trung.
Tuy nhiên, trong khi giáo trình sử dụng ở tiểu học do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn thì lên bậc THCS lại sử dụng bộ giáo trình do Bộ GD-ĐT biên soạn. Riêng ở lớp chuyên Trung của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, do không có nguồn tuyển từ THCS nên trong 3 năm học THPT, học sinh phải hoàn thành chương trình tiếng Trung 6 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) do Bộ GD-ĐT biên soạn. Đối với hệ CĐ, ĐH, cả nước hiện có hơn 30 trường tuyển sinh ngành tiếng Trung, song nội dung chương trình và điều kiện học tập mỗi nơi một khác.
Trước thực tế đó, TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân kiến nghị Bộ GD-ĐT nên quy định giáo trình tiếng Trung thống nhất ở các bậc học, đồng thời đổi mới thi cử, cấp chứng chỉ tiếng Trung theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, sử dụng đề thi chung toàn quốc thay cho chứng chỉ A, B, C đã lạc hậu hiện nay.
Ngoài ra, theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong khi các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc có hệ thống giáo trình dành riêng cho học sinh nước họ thì phần lớn trường học ở Việt Nam vẫn sử dụng giáo trình xuất bản tại Trung Quốc, thiếu những chủ điểm, từ vựng liên quan Việt Nam, đồng thời khó tránh khỏi những nội dung nhạy cảm không phù hợp quan điểm, lập trường nước ta và vi phạm bản quyền tác giả.
Riêng ở bậc tiểu học, thạc sĩ Vương Quế Thu, cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay giáo viên đang sử dụng bộ sách Hoa ngữ (gồm 10 cuốn) do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành để dạy từ lớp 1 đến lớp 5, chưa có sách hướng dẫn giáo viên và tài liệu băng, đĩa đi kèm. Các lớp dạy tiếng Trung phần lớn có cơ sở vật chất như lớp học thông thường, chưa có danh mục thiết bị dạy học tối thiểu khiến giáo viên loay hoay tự mày mò làm đồ dùng dạy học hoặc dùng chung trang thiết bị môn tiếng Anh để nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, hàng loạt ứng dụng công nghệ đã có hiện nay như phần mềm luyện phát âm chuẩn, sửa âm sai trên điện thoại di động, thiết kế bài giảng điện tử sử dụng công nghệ 3D… chưa được sử dụng phổ biến trong quá trình dạy học khiến người học giảm hứng thú, hiệu quả học tập chưa cao.
Ưu tiên đổi mới chương trình, thi cử
Là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam đào tạo môn tiếng Trung, đến nay Khoa tiếng Trung, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có 22 khóa sinh viên tốt nghiệp. Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân, sinh viên các khóa đã ra trường hiện đang công tác ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, an ninh, hải quan, du lịch, phát thanh truyền hình, báo chí và làm ở các doanh nghiệp. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếng Trung ở các trường phổ thông rất lớn, chưa kể việc bổ sung nguồn lao động tại các doanh nghiệp nước ngoài khiến xảy ra tình trạng “việc tìm người” chứ không phải “người tìm việc”. Trước thực tế đó, TS Phạm Minh Tiến, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) khẳng định các đơn vị đào tạo phải không ngừng thay đổi tư duy, liên tục tương tác với các đơn vị sử dụng lao động để hoàn thiện chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Khai Xuân, Mai Hồng Quân và Phạm Ngọc Đăng (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), có đến 53,26% sinh viên và 83,33% giảng viên được khảo sát cho biết lo lắng về việc không đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT quy định. Nguyên nhân là do chương trình học hiện nay quá tập trung hai kỹ năng viết (72,83%) và đọc (64,13%), các kỹ năng nghe, nói chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Ngoài ra, có đến 50% giáo viên và 42,86% sinh viên cho rằng cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại mục tiêu của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, trong đó có việc đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ, đảm bảo đến năm 2020 sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ khó đạt hiệu quả như mong đợi.
| |
THU TÂM