Mới bắt đầu mùa khô nhưng nạn hạn hán và xâm nhập mặn đã bắt đầu lấn sâu vào nội đồng các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo dự báo trong tháng 3-2011, mực nước thấp nhất trên sông Hậu tại Tân Châu -0,2m, tại Châu Đốc -0,3m, thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 0,25m. Tình hình xâm nhập mặn sẽ sâu hơn và độ mặn cao hơn vào những ngày cuối tháng. Trong khi đó, ở vùng bán đảo Cà Mau đất trồng lúa và nuôi tôm đều “khát nước”!
Hạn, mặn lan nhanh
Những cơn mưa trái mùa cuối tuần qua không làm dịu cái nắng chan chát ở miền Tây. Nhiều vùng thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… một số tuyến kinh bị bồi lắng, cạn kiệt đến nỗi người dân có thể đi bộ qua đáy kinh mà không ướt chân! Chuyện khô hạn, thiếu nước tưới là lẽ thường. Nhưng trớ trêu và chồng chéo ở một số vùng, người dân trồng lúa và nuôi tôm đều “khát nước” vì tranh chấp giữa đôi dòng mặn ngọt. Người trồng lúa dẫn nước ngọt sâu vào kinh Quản Lộ Phụng Hiệp thì người nuôi tôm cần nước mặn “méo mặt”! Câu chuyện người dân vùng bán đảo Cà Mau “giận nhau” vì người lấy nước mặn “hại” người trồng lúa và ngược lại đã xảy ra từ năm ngoái đang lặp lại trong mùa khô năm nay.
Sau nhiều năm mực nước lũ xuống thấp và năm rồi ĐBSCL gần như không có lũ, dự báo mùa khô hạn, mặn năm nay sẽ nghiêm trọng hơn! Khi mực nước sông Mekong xuống thấp, “lũ ngọt” nhỏ sẽ tạo điều kiện cho “lũ mặn” tràn sâu vào nội đồng.
Hậu Giang là một điển hình của tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Năm ngoái, lần đầu tiên nước mặn quay lại (sau hàng chục năm đã được ngọt hóa) và tràn vào hệ thống kinh xáng Xà No, làm tê liệt nhà máy nước, khiến cư dân đô thị Vị Thanh phải “chơi sang đột xuất”: xài các loại nước suối. Hậu Giang đã khẩn trương xây dựng ngay đường ống dẫn nước ngọt từ huyện Châu Thành A (cách Vị Thanh 14km) về để nhà máy nước xử lý, cung cấp cho người dân Vị Thanh. Hiện nay, nước mặn đã “liếm” vào một số vùng sản xuất lúa của Hậu Giang. Năm ngoái, tỉnh này có 12.000ha lúa bị ảnh hưởng mặn, năm nay dự báo sẽ tăng lên 20.000ha.
Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết: Theo dự báo, năm 2011 nước mặn có khả năng lấn sâu vào các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và tất cả các xã, phường của thành phố Vị Thanh, với độ mặn diễn biến ở mức từ 2-11‰. Theo quy định của quốc tế và Việt Nam, độ mặn từ 1,5-3,5‰ đã ảnh hưởng đến lúa, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản. Nếu trên 3,5‰, chỉ có những loại vật nuôi, cây trồng ở vùng mặn mới có khả năng thích ứng.
Sản xuất thích ứng thời tiết
Các giải pháp đối phó với hạn - mặn hiện nay đang được nhiều địa phương triển khai là: xuống đập thời vụ ngăn mặn, xử lý các cống đóng mở hợp lý; nạo vét các tuyến kinh bị cạn kiệt; khuyến cáo người dân xuống giống lúa, thả tôm hợp lý; sử dụng các giống lúa chống và chịu mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Trong đó, tại Hậu Giang ngoài 74 đập thời vụ của năm 2010, phải đắp 95 đập mới để ngăn mặn và trữ nước ngọt cho đất sản xuất nông nghiệp. Một lãnh đạo ngành nông nghiệp thừa nhận: Dù chỉ đạo rất quyết liệt, song thực tế lại phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Trong đó, giá lúa đang ở mức cao nên nông dân có thể “xé rào” không tuân thủ các khuyến cáo lịch thời vụ để né hạn – mặn. Chính vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần theo dõi sát diễn biến hạn - mặn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đối phó với diễn biến thời tiết.
Trên thực tế, trước diễn biến ngày càng gia tăng về mức độ khốc liệt của biến đổi khí hậu, các bộ ngành và ĐBSCL đang nỗ lực để ứng phó với khô - hạn. Trong đó, Hậu Giang đã được Trung ương đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn dài hơn 110km. Đây cũng là công trình để ứng phó với triều cường biển Tây! Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết bộ đang khẩn trương xác định cụ thể các biện pháp (củng cố bờ bao, trạm bơm, sử dụng giống ngắn ngày, bố trí thời vụ hợp lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh…) để chỉ đạo các địa phương đảm bảo “làm đâu được đấy”, nhất là ở những nơi đã sản xuất thắng lợi trong những năm qua. Đồng thời bộ đang hoàn chỉnh Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Viện Lúa ĐBSCL đang chạy “nước rút” để sớm tung các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng… cung ứng cho nông dân sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết ĐBSCL có 700.000ha đất bị xâm nhập mặn. Ngoài các giải pháp thủy lợi, đê bao ngăn mặn theo các tuyến kinh, sông, đê bao ven biển, giải pháp sản xuất các giống lúa, cây trồng thích ứng với hạn - mặn được xem là song hành với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Trước mắt, giải pháp thiết thực nhất là bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống kinh, mương, hệ thống cống ngăn mặn và sự điều tiết nước hợp lý ở những vùng tranh chấp nước mặn và nước ngọt. |
Cao Phong