(SGGPO).- “Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. ĐBSCL đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với những khó khăn do thời tiết gây ra. Trong đó, những giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho nông dân hiện nay là giải pháp thiết thực để hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã đưa ra khuyến nghị trên tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, tổ chức tại Hậu Giang, sáng nay 19-2.
Với chuyên đề: "Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL", diễn đàn đã thu hút các nhà khoa học từ các viện, trường, ngành nông nông nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh một lần nữa cảnh báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng, đạt mức “kỷ lục” trong 100 năm tại ĐBSCL. Trong bối cảnh đối diện nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và thị trường nông sản ngày càng hội nhập sâu rộng, vựa lúa ĐBSCL phải giải quyết được các hạn chế còn tồn tại hiện nay là: tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận còn thấp, chi phí sản xuất cao (còn lạm dụng sử dụng giống gieo sạ, phân, thuốc trừ sâu), kéo theo thu nhập của người trồng lúa chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Cũng tại diễn đàn này, đại diện Cục Trồng trọt cũng đưa ra cảnh báo: các địa phương phải căn cứ vào nguồn nước ngọt và diễn biến của “lưỡi mặn” để bố trí mùa vụ cho từng cánh đồng cụ thể để đối phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn hiện nay. Theo đó, vụ hè – thu 2016 tới đây, dự kiến ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,67 triệu ha lúa. Cục Trồng trọt khuyến cáo: Không xuống giống lúa xuân – hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu vào mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Cao Phong