ĐBSCL: Lũ đầu nguồn tiếp tục lên

Ngày 9-10, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên chậm. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm; vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên và còn duy trì trên báo động 3 đến cuối tháng 10.

* An Giang: 10.500 hộ có nguy cơ thiếu đói

(SGGP).- Ngày 9-10, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên chậm. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm; vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên và còn duy trì trên báo động 3 đến cuối tháng 10.

Đến ngày 13-10, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,8m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 4,25m; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3 từ 0,2-0,4m. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên, đến ngày 13-10 ở mức 2,85m. Cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.

Đêm 8-10, lũ phá vỡ đoạn đê hơn 3m của tuyến đê Tây kênh Nông Trường, bảo vệ tiểu vùng lúa 700 ha tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Nhờ phát hiện kịp thời, lực lượng PCLB khẩn cấp gia cố thành công. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đê bao chỉ cách mực nước lũ từ 0,2-0,5m, nguy cơ vỡ rất lớn.

Trước tình hình lũ còn diễn biến phức tạp, bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN-PNNT, Phó ban Chỉ huy PCLB tỉnh An Giang vừa ban hành thông báo yêu cầu các địa phương tập trung duy trì tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, gia cố nâng cao hệ thống đê bao trọng yếu; bảo vệ 127.000ha lúa thu đông. Các tuyến đê xung yếu cần đặc biệt quan tâm gồm: tỉnh lộ 957 (huyện An Phú); tiểu vùng thị trấn Tịnh Biên, tiểu vùng các xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, Thới Sơn, Tân Lập (huyện Tịnh Biên); tỉnh lộ 944, tiểu vùng Mỹ Hội Đông 1 - xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới); tiểu vùng Tân Lập - Tân Tuyến (huyện Tri Tôn); các tiểu vùng xã Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ (huyện Châu Phú); đê Tha La (thị xã Châu Đốc); tiểu vùng 8-9 xã Vĩnh Hanh, tuyến đê Nhà Lầu - Bình Hòa - Vĩnh An (thuộc huyện Châu Thành)…

Từ khi vào cao điểm đỉnh lũ (ngày 20-9) đến nay, sạt lở liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, cuốn trôi hơn 23.200m² đất; hơn 46 km đường giao thông nông thôn bị hư hại; 567 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Toàn tỉnh có 66.000ha lúa đang bị đe dọa, 4.200ha mất trắng… Đặc biệt 10.500 hộ có nguy cơ thiếu đói, cần nhanh chóng hỗ trợ lương thực…

Tại Cần Thơ, đến nay có hơn 2.000ha lúa thu đông bị thiệt hại do ngập lũ. Hiện còn hàng ngàn ha lúa tại huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh đang trong giai đoạn đồng trổ đến chắc xanh. Hệ thống đê bao bảo vệ các diện tích này chưa đảm bảo, đang bị lũ đe dọa. Đặc biệt, có 6 trẻ em chết do lũ.

Chiều 9-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Do ảnh hưởng lũ lớn hoành hành trên diện rộng, nhiều nơi nước chảy xiết gây ra những vụ chìm tàu, ghe… Trong những ngày qua, lực lượng cứu hộ cứu nạn huyện Hồng Ngự và thị xã Sa Đéc đã cứu 22 người gặp nạn, 3 chiếc ghe và 6 chiếc xuồng bị chìm do lũ.

Hiện tại, mực nước lũ ở các huyện đầu nguồn, vùng Đồng Tháp Mười và các huyện phía Nam đều lên với cường suất từ 1-4cm/ngày, cao hơn mức báo động 3 từ 0,05 - 0,68m. Lũ tiếp tục lên gây ngập trên diện rộng, trong đó nhà dân bị ngập lũ tăng lên trên 14.947 căn. Dự báo trong đợt triều cường vài ngày tới số nhà bị ngập lũ sẽ cao hơn. Sở GT-VT Đồng Tháp thông báo đã có 4,75km đường quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập lũ làm hư hỏng; trên 727km đường giao thông nông thôn và 35 cây cầu bị lũ nhấn chìm, gây thiệt hại về giao thông hơn 328 tỷ đồng.

Tại Long An, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các huyện vùng lũ khẩn trương vận động, giúp đỡ các hộ dân di dời lên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để đảm bảo an toàn khi đỉnh lũ đổ về vào trung tuần tháng 10-2011 và đảm bảo đưa đón bà con trở về khi nước rút để kịp sản xuất vụ đông xuân sau lũ. Đến nay, toàn tỉnh Long An có hơn 5.600 hộ bị ngập từ 0,4 - 0,5m. Mực nước lũ ngày đêm dâng lên từ 4-7cm đe dọa tính mạng người dân sinh sống ở vùng trũng thấp ven theo sông rạch. 

BÌNH ĐẠI - H. LỢI- KH. QUỐC

- Thông tin liên quan:

>> Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ đang lên trở lại

Tin cùng chuyên mục