(SGGP). – Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo bậc cao đẳng, đại học vùng ĐBSCL là vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, vừa được tổ chức tại Trường Đại học Tây Đô (TP Cần Thơ).
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cần có sự đầu tư từ nhiều phía, nhưng đóng vai trò quyết định vẫn là chất lượng giảng dạy của người thầy. Đây là vấn đề nhức nhối bởi với thực trạng hiện nay, các trường ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cán bộ giảng dạy giỏi, có tâm huyết. Nhiều trường nhỏ mới thành lập ở những địa phương còn khó khăn thì vấn đề thu hút nhân tài càng khó, chưa thể nói đến nâng cao chất lượng.
Th.S Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang trăn trở: “Giảng viên vừa yếu, lại vừa thiếu. Những giảng viên giỏi được đào tạo sau khi thực hiện xong cam kết phục vụ rồi cũng xin về những trường lớn hơn. Còn học sinh và các bậc phụ huynh thì luôn có tâm lý là phải thi vào trường lớn, rớt lên rớt xuống mới về trường địa phương. Bởi vậy, trường chỉ toàn thu về những sinh viên chất lượng thấp”.
Ngoài vấn đề chất lượng giảng viên, sinh viên đầu vào, việc đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên cũng nhận được nhiều quan tâm. Có ý kiến cho rằng, một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng sinh viên khi ra trường là nhà trường phải phối hợp chặt hơn với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập. Qua đó không chỉ giúp sinh viên làm quen với công việc mà còn tập cho các em thích ứng với trong môi trường có tính cạnh tranh cao, phía doanh nghiệp cũng có thể tuyển chọn những người giỏi vào làm việc lâu dài.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo nhấn mạnh, cần thống nhất đổi mới quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương. Mỗi trường phải tạo dựng được tên tuổi bằng cách chọn cho mình mô hình đào tạo có chất lượng. Phải tự đào tạo cho mình một đội ngũ giảng viên giỏi để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng và xem đó là vấn đề mang tính sống còn.
Đ.TUYỂN