ĐBSCL trong cơn “khát” cát xây dựng


Theo Bộ GTVT, từ nay tới năm 2025, ĐBSCL cần khoảng 39 triệu m3 cát san lấp nền đường cho các dự án, chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư. Trong đó, nhu cầu cho năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3.
Vận chuyển cát bằng sà lan ở thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH
Vận chuyển cát bằng sà lan ở thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Giá cát tăng chóng mặt

Ngày 24-10, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, tỉnh này vừa chấp thuận điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1.110.000m3 phục vụ cho việc khai thác. Thời gian khai thác trong 6 tháng. Cát khai thác tại khu mỏ cung cấp cho công trình có giá 79.200 đồng/m3 (cát rời).

Nguồn cát vừa tăng lượng khai thác nói trên chỉ được cung cấp cho công trình tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Cùng với đó, tỉnh đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát hoạt động khai thác, cung cấp cát, đảm bảo khối lượng cát cung cấp thi công công trình tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.

Trên thực tế, mức giá 79.200 đồng/m3 cát do UBND tỉnh An Giang ấn định nói trên chỉ áp dụng cho các dự án được chỉ định. Còn giá thị trường “nhảy múa” liên tục tùy theo tình hình nguồn cung. Mức giá dao động từ gần 300.000-400.00 đồng/m3.

Tại Cần Thơ, các doanh nghiệp cung ứng cát cho biết, giá cát san lấp theo giá bán lẻ được giao đến công trình có giá trên 400.000 đồng/m3. Mặc dù giá cao, nhưng nhiều đơn vị thi công dự án đang phải đau đầu về việc loay hoay tìm nguồn cung. Có thể nhận thấy, ĐBSCL từ một vùng đất giàu tài nguyên về cát, đến nay đã thực sự rơi vào cơn “khát cát” trên diện rộng.

Theo ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Trà Vinh, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn một mỏ cát sông đang khai thác (đến tháng 3-2023 là hết hạn) và một mỏ cát biển. Ngoài ra, một mỏ cát đang trong quá trình cấp phép, chủ yếu phục vụ xây cầu Đại Ngãi và Khu công nghiệp Cổ Chiên. 

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m3, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 17,8 triệu m3, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m3), chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3. Trong khi đó, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế. 

Cũng theo Bộ GTVT, nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3. Trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém (hạt mịn) lẫn nhiều tạp chất (hàm lượng bùn sét lớn hơn quy định), không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Nguồn cát sông từ các tỉnh thượng lưu sông Tiền và sông Hậu (An Giang và Đồng Tháp) hiện nay khoảng 23,1 triệu m3 với công suất hàng năm khoảng 7,5 triệu m3, trữ lượng còn lại chỉ khoảng 9,4 triệu m3. Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng 88,11 triệu m3 (trong đó An Giang khoảng 54,54 triệu m3, Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3). 

Phát hiện nhiều vụ khai thác cát trái phép

Thiếu cát, hệ quả đầu tiên là nhiều người bất chấp vi phạm pháp luật để khai thác cát lậu. Tại Tiền Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương này đã phát hiện 79 vụ với 125 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (chủ yếu là hành vi khai thác cát trái phép và vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ). 

Tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) còn xuất hiện nhóm đối tượng ngang nhiên tập kết nhiều thiết bị, máy móc để khai thác cát trái phép dưới lòng đất với quy mô hàng chục ngàn mét khối để đưa đi tiêu thụ (Báo SGGP đã phản ánh). Trong khi các tỉnh ĐBSCL còn loay hoay tìm nguồn cát, hoặc chỉ ưu tiên trữ lượng cát cho các dự án trọng điểm, thì tại An Giang nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhập cát Campuchia. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định, thẩm quyền cho phép nhập cát thuộc bộ Công thương, TN-MT, không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Hoạt động tạm nhập - tái xuất cát từ Campuchia qua địa bàn An Giang đã diễn ra hàng chục năm nay. Hiện tại, cát Campuchia có xuất hợp pháp sang Việt Nam hay không thì tỉnh An Giang chưa nắm cụ thể.

Trong khi đó, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho hay, hiện có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, với trên 2,5 triệu m3 cát. Giá cát bán tại Campuchia được kê khai trong tờ khai hải quan là 6 USD/m3 (tương đương 140.000 đồng/m3 - quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước). Sau khi nhập khẩu cát về phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%.

Chủ một công ty chuyên khai thác cát sông Tiền, giờ chuyển qua nhập cát Campuchia cho biết thêm, từ năm 2009, Campuchia đóng cửa các mỏ cát, không cho xuất bán ra ngoài. Nhưng từ đầu năm 2022 tới nay, họ mở cửa trở lại, nhưng rất hạn chế, cát không được xuất bán sang nước thứ ba, nghĩa là chỉ bán cho Việt Nam. Cát nhập khẩu từ Campuchia về chủ yếu là cát vàng. Đây là loại cát tốt nhất trong các loại cát sông. Cát vàng có nhiều loại nên có nhiều mức giá khác nhau. Giá dao động khoảng 170.000 đồng/m3 đối với cát loại 1,4mm, còn cát loại 2,2-2,5mm có giá 270.000-280.000 đồng/m3. Cộng các chi phí khác (thuê sà lan, nhân công…) giá cát tại cửa khẩu Vĩnh Xương dao động từ 320.000-370.000 đồng/m3 tùy thời điểm.

Nghiên cứu dùng cát mặn để san lấp

Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT triển khai nghiên cứu việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế cần thi công thí điểm và quan trắc các ảnh hưởng đến môi trường và ban hành tiêu chuẩn, quy trình thi công, định mức đơn giá. 

Nếu các thủ tục triển khai nghiên cứu thuận lợi, kết quả nghiên cứu thí điểm thành công thì nhanh nhất đến cuối năm 2023 mới có thể áp dụng. Như vậy, trong giai đoạn xây dựng hiện tại (ít nhất là năm 2023 và 2024), các dự án vẫn phải sử dụng nguồn cát sông là chủ yếu.

Tin cùng chuyên mục