Đề án khoa học dịch vụ tại TPHCM: Tránh “gãy gánh” giữa đường

TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại và thị trường rộng lớn nên có nhiều thuận lợi cho việc hình thành và phát triển ngành khoa học dịch vụ. Cùng với quyết tâm của TP, các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học đã có những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành khoa học dịch vụ.
Đề án khoa học dịch vụ tại TPHCM: Tránh “gãy gánh” giữa đường

TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại và thị trường rộng lớn nên có nhiều thuận lợi cho việc hình thành và phát triển ngành khoa học dịch vụ. Cùng với quyết tâm của TP, các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học đã có những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành khoa học dịch vụ.

Khi khoa học dịch vụ phát triển, du khách sẽ đến TPHCM nhiều hơn. Ảnh: T.BA

Khi khoa học dịch vụ phát triển, du khách sẽ đến TPHCM nhiều hơn. Ảnh: T.BA

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Các chuyên gia đều khẳng định, khoa học dịch vụ được đánh giá sẽ là ngành chiếm ưu thế trong những thập niên tới khi kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức. Tại TPHCM, trong những năm qua và những định hướng của giai đoạn tới, cơ cấu kinh tế TP đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ đã đóng góp 55,5% GDP của TP và tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm… là những cơ sở để phát triển khoa học dịch vụ.

Để phát triển khoa học dịch vụ tại TPHCM, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng, trước mắt tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Trong giai đoạn 2011-2013, Sở KH-CN cùng các ban ngành, trường đại học tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành trọng tâm như giáo dục - đào tạo, du lịch, giao thông và y tế. Đồng thời các ngành sẽ thực hiện một dự án thử nghiệm áp dụng khoa học dịch vụ tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn… Xây dựng khoa học dịch vụ tại TPHCM, trước mắt tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.

Trải qua gần một năm thực hiện các công tác liên quan đến đề án phát triển khoa học dịch vụ, TS Cao Hào Thi (Đại học Bách khoa TPHCM) nhận định: Để thực hiện một cách triệt để, cần sự chung tay của nhiều cá nhân, đơn vị. Ngoài việc tìm kiếm và tuyển chọn các đơn vị có tâm, hết lòng vì sự phát triển của khoa học dịch vụ tại TPHCM thì việc bắt buộc họ cam kết thực hiện các phần việc là điều rất quan trọng. Dự án cần chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan để tránh các vấn đề gãy gánh giữa đường.

Phải nhận thức rộng hơn

Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đề án khoa học dịch vụ tại TPHCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng: Khâu đào tạo trong đề án rất quan trọng nhưng tạo dựng nguồn nhân lực với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng có vẻ là hơi ít.

Ông Dũng còn cho rằng, đặc điểm dễ nhận thấy là dịch vụ của TP đang thay đổi. Đó là quy luật tất yếu với sự tham gia đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp ở nước ngoài vào TPHCM. Nghĩa là nó đang vận động theo một cách rất tự nhiên. Vậy ta cần gì ở đề án này? Ta cần đề án này vì mong muốn nó tác động trực tiếp vào các ngành dịch vụ để phát triển nhanh hơn, mạnh và hiệu quả hơn. Đề án hướng nhiều đến doanh nghiệp, muốn doanh nghiệp thay đổi cách làm dịch vụ, hay nói đúng hơn là khi áp dụng khoa học dịch vụ, phải thay đổi nhận thức từ cấp lãnh đạo, từ chủ doanh nghiệp. Điều cực kỳ quan trọng là thay đổi nhận thức từ cấp quản lý nhà nước và các chính sách hỗ trợ. Ở trên có đồng thuận và cam kết hỗ trợ, đề án mới dễ dàng thực hiện, nhất là với một đề án cấp TP và nguồn kinh phí dự kiến không hề nhỏ.

Khoa học dịch vụ khởi xướng từ Công ty máy tính IBM (Mỹ), điều này cho ta giải thích có cơ sở rằng khoa học dịch vụ là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và quản lý. Với đề án này, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ tin học HPT, cho rằng cần phải xác định lại là đề án phục vụ cho ai? Ông Ngô Vi Đồng nói: “Đề án cần hướng đến doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, để từ đó, doanh nghiệp đưa ra các dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho xã hội. Vì thế tôi nghĩ, đề án này cũng cần đặt ra tiêu chí như là một dịch vụ cung cấp. Nghĩa là đề án chọn mô hình điểm để thực hiện và phải thực hiện tốt mô hình thí điểm này. Để các doanh nghiệp quan tâm đến và sẽ thấy hiệu quả mà dự án mang lại, từ đó, họ sẽ mua lại dịch vụ khoa học dịch vụ của chúng ta”.

Đề án phát triển khoa học dịch vụ tại TPHCM giai đoạn 2010-2013 tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, chủ yếu tập trung vào 3 loại đối tượng. Thứ nhất là nhóm chuyên gia về khoa học dịch vụ, bắt buộc phải được phổ biến kiến thức cơ bản về khoa học dịch vụ. Thứ hai là sinh viên ngành CNTT và quản trị công nghiệp.

Trong giai đoạn trên sẽ thực hiện trước với Khoa Máy tính (Đại học Bách khoa TPHCM), Khoa Quản trị công nghiệp (Đại học Bách khoa TPHCM), Khoa Công nghệ thông tin (Đại học KHTN TPHCM) và dự kiến sẽ đào tạo khoảng 100 sinh viên về khoa học dịch vụ. Thứ ba là nhóm nhân lực trong các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, Sở KH-CN TPHCM sẽ có đợt khảo sát các doanh nghiệp có dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông về nhu cầu được đào tạo để phát triển khoa học dịch vụ cho doanh nghiệp mình, trên cơ sở đó chọn ra 100 người để đào tạo…

BÁ TÂN - TƯỜNG HÂN 

Tin cùng chuyên mục