Từ 4 giờ 15 phút sáng 4-10, tại vùng cửa biển Hà Tĩnh, gió, kết hợp triều cường với sóng biển đánh rất mạnh làm 200m tuyến kè chắn sóng biển thuộc địa phận phía Bắc xóm Long Hải, xã Thạch Kim (toàn xã Thạch Kim có 2km kè biển) bị xói lở đặc biệt nguy hiểm ngay bên dưới chân kè đe dọa nguy cơ bị vỡ lớn.
Xã Thạch Kim đã huy động gần 1.000 lượt người dân địa phương, hơn 5.000 bao tải đất đá, cọc tre kịp thời đến hiện trường tổ chức ứng cứu kè; đến 18 giờ 45 phút chiều cùng ngày, tuyến kè này tạm thời được ổn định. Tại tuyến đê Tả Nghèn (đê C2) chiều dài 1km bảo vệ dân sinh cho 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu của xã Hộ Độ và Mai Phụ, thuộc huyện Lộc Hà, do đang trong quá trình thi công dở dang gặp mưa lớn và nước sông đổ dồn về quá mạnh khiến bị sạt lở nghiêm trọng, nước tràn qua mặt đê cao 30 - 40cm ào ào vào nhà dân.
Huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng đưa 5.000 bao tải đất đá, hơn 500m bạt trải thảm đến hiện trường cứu hộ đê. Tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương triển khai phương án sơ tán khoảng 27.000 người dân ở vùng xung yếu, cửa sông, cửa lạch nguy hiểm thuộc huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân…
Ngày 4-10, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết mặc dù đã được gia cố nhưng một số đoạn trên tuyến đê biển Tây và đê biển Đông tỉnh Cà Mau đang bị sóng biển gây sạt lở hàng ngày, đe dọa đến tính mạng và tài sản hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong đê. Cụ thể, đoạn Ranh Dinh – Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) bị sạt lở một đoạn hơn 2km. Tuyến đê biển Đông như Gành Hào (Đầm Dơi), Đất Mũi (Ngọc Hiển) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Hoai, sau năm 1997 ở các tuyến đê trên địa bàn của tỉnh Cà Mau đều còn rừng phòng hộ khoảng 300-400m (tính từ thân đê ra đến mặt biển) để che chắn. Nhưng vài năm trở lại đây, không còn rừng phòng hộ chắn sóng, nên nước biển cuốn trôi hàng kilômét đê biển mỗi năm.
- Chìm tàu, 3 ngư dân bị thương, 14 ngư dân được cứu
Chiều 4-10, 3 ngư dân trên tàu cá BĐ-96504 TS là Nguyễn Sơ (49 tuổi, ở xã Hoài Hải), Nguyễn Đình Quốc (20 tuổi, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị thương được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định và Trương Văn Phúc (33 tuổi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) chấn thương sọ não chưa tỉnh lại.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 3-10, tàu cá BĐ-96504 TS (168 CV) do ông Nguyễn Gọn (69 tuổi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 ngư dân, trên đường về trú bão sắp cập cảng Tam Quang Bắc thì bị sóng lớn đánh bể bánh lái tông vào bờ kè. 4 ngư dân còn lại được cứu vào bờ an toàn. Tài sản thiệt hại trong vụ chìm tàu này hơn 1 tỷ đồng.
Rạng sáng 4-10, khi đang trên đường chạy vào cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để núp gió, tàu cá QNg-1824TS của ông Nguyễn Nin, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị chết máy và bị sóng đánh trôi dạt khi còn cách cảng Sa Kỳ chừng 4 hải lý và bị sóng nhấn chìm. 10 ngư dân đi trên tàu cá này bị rơi xuống biển cố sức bơi vào được một rạn san hô gần đó và được tàu cá của địa phương phát hiện tới tiếp cận cứu sống và đưa vào bờ an toàn.
Nhóm PV