Trong khi đa số cán bộ - đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tiên phong gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thời gian qua cũng đã có không ít cán bộ - đảng viên suy thoái, mất nhân cách đến mức vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Thậm chí có người là lãnh đạo đương chức hay mới nghỉ hưu đã bị phát hiện có hành vi sa đọa, hiếp dâm, dâm ô trẻ em. Họ đã tự bào mòn nhân cách, tha hóa, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Họ xao nhãng trách nhiệm, đánh mất lòng tự trọng và xem nhẹ danh dự.
Thực tế đã có nhiều vụ việc người cán bộ - đảng viên thiếu lòng tự trọng, thể hiện qua việc không trung thực nhận trách nhiệm khi có thiếu sót, sai phạm, khiến dư luận không phục. Cụ thể như đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhân viên, đến nỗi nguyên do “lỗi đánh máy” đã xuất hiện với tần suất ngày một nhiều để giải thích cho mọi sai sót trong công tác quản lý, điều hành, đến mức thành khôi hài. Nhiều vụ cán bộ đảng viên vi phạm trong hành xử với dân hoặc bị bắt quả tang sai phạm về đạo đức, nhưng vẫn cố ngụy biện, chối lỗi một cách ngô nghê, không biết xấu hổ.
Còn nhớ hồi tháng 6-2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án tù treo, giữ nguyên bản án 3 năm tù giam về tội dâm ô trẻ em đối với một bị cáo từng là lãnh đạo ngân hàng nhà nước cấp tỉnh. Phán quyết đó cho thấy sẽ không dễ đánh tráo khái niệm, qua mặt dư luận để tìm một cái kết có hậu cho kẻ có hành vi tồi tệ, bị cáo là đảng viên từng là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì càng đáng trách hơn, vì đã bôi nhọ hình ảnh người đảng viên, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng và thanh danh của Ngân hàng Nhà nước. Không đặc cách, không ưu ái nương nhẹ khi xử lý cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật, chính là cách nghiêm túc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ - đảng viên hiện nay.
Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái, biến chất trong một bộ phận cán bộ - đảng viên, sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển của đất nước. Yêu cầu trước hết là thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các tiêu chí về đạo đức, lối sống; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; phát huy vai trò nêu gương; nâng cao tính chiến đấu, tinh thần thẳng thắn, dũng cảm trong việc tự phê bình và phê bình, nhất là đối với những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức. Kiên quyết sàng lọc, thay thế đối với cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; đề cao đức tính trung thực của cán bộ - đảng viên.
Trong bối cảnh đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, càng đòi hỏi bản thân từng cán bộ - đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân liên tục không ngừng nghỉ, không để bị kẻ xấu lôi kéo dụ dỗ, không cho phép mình làm điều xấu. Biết tự giác nhận lỗi, chịu trách nhiệm về những sai trái của bản thân; nghiêm khắc tự kiểm điểm và rút ra bài học cho mình. “Kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ” - đó là bi kịch của chính những cán bộ - đảng viên suy thoái, biến chất. Không ít người tưởng rằng có thể “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, nhưng thực tế cho thấy khi đánh mất lòng tự trọng và danh dự, là mất tất cả, chính con cái họ cũng phải đắng lòng, xấu hổ. Đừng để như câu chuyện trong bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” - đi “ăn đêm”, dại dột làm một chuyện không minh bạch, đến khi “lộn cổ xuống ao” phải đau khổ đứng trước tòa án pháp luật, tủi thẹn trước tòa án dư luận và dằn vặt trước tòa án lương tâm, mới nghĩ đến việc cầu khẩn “đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.