Để con người được an toàn phải sống hòa thuận cùng thiên nhiên

Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng khai thác nước mặt, nước ngầm và xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào những nguồn tiếp nhận tại TPHCM đã và đang làm suy giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn nước, đe dọa đến hoạt động khai thác, cung cấp nước sạch cho người dân.

Cảnh báo về những tác động đến nguồn tài nguyên nước tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Ngà, công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, hiện nay, chúng ta đang chứng kiến những hậu quả phản ứng từ thiên nhiên đối với con người. Ví dụ như biến đổi khí hậu, lụt bão, cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước, hạn hán… Sự phản kháng của thiên nhiên đe dọa đến sự an toàn của con người. Cụ thể, đối với chất lượng nước mưa, kết quả phân tích mẫu nước mưa tại các bể chứa của các hộ dân ngoại thành cho thấy, độ đục khá cao, gấp 4-7 lần so với tiêu chuẩn nước uống và gấp đôi tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Mức độ nhiễm bẩn vi sinh, hàm lượng chì… cũng khá cao, vượt quy chuẩn. Bên cạnh đó, chất lượng nước ngầm của TPHCM cũng đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt nước ở gần các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, các tầng chứa nước gần mặt đất… Ngoài ra, việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm lãng phí cũng góp phần gia tăng sự rủi ro từ nguồn nước gây ra. Sự gia tăng mực nước biển gây ra ngập ở TPHCM ngày càng tồi tệ; nguồn nước ô nhiễm tác động xấu đến người dân; sự thay đổi điều kiện khí hậu làm ngập lụt gia tăng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô… Như vậy, để con người được an toàn, chỉ có một cách duy nhất là phải sống hòa thuận cùng thiên nhiên.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho rằng, việc bảo vệ tài nguyên nước không chỉ là trách nhiệm, mà còn mang tới lợi ích cho doanh nghiệp. Định hướng của Sawaco là xây dựng trách nhiệm xã hội và đưa công ty phát triển bền vững, thông qua các giải pháp như áp dụng sử dụng công nghệ sinh học, giảm thất thoát nước, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn cung cấp nước sạch, hướng đến 100% người dân thành phố được sử dụng nước sạch. Nguồn nước tưởng chừng vô hạn, dồi dào nhưng thực tế, cực kỳ hữu hạn. Chỉ cần một số điểm ô nhiễm nhỏ cũng sẽ tác động to lớn đến chất lượng nguồn nước sử dụng đối với con người.

Các chuyên gia ước tính, nhu cầu sử dụng nước đến năm 2025 của người dân toàn TPHCM tăng từ 3,1 triệu m³/ngày năm 2020 lên 3,7 triệu m³/ngày vào năm 2025. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, nguồn nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng, được thành phố ưu tiên quan tâm. Tuy vậy, trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tác động của biến đổi khí hậu, công tác quản lý tài nguyên nước vẫn đối diện với nhiều thách thức như vấn đề ô nhiễm, xâm nhập mặn nguồn nước. “Để giải quyết các thách thức, khó khăn trên một cách bền vững, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý đến năm 2020, gồm: rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian đô thị; triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình dự án liên quan đến quản lý, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sử dụng tiết kiệm nguồn nước; xây dựng các chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước tham gia, đầu tư vào các dự án có liên quan đến công tác bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên nước bền vững”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Paul Bleijs, Giám đốc chuỗi cung ứng Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, chia sẻ: “Đừng kỳ vọng văn hóa có thể thay đổi trong một ngày mà cần có thời gian để người dân thích nghi. Nếu không bắt tay hành động, tiết kiệm tài nguyên nước ngay thì sau này chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền, thời gian cho công tác này. Có thể lấy dẫn chứng, trong một cơn mưa vào tối hôm trước, trong khi đang trên đường về công ty chúng tôi ghi nhận nước bắt đầu ngập lênh láng tại các tuyến đường trọng điểm của TPHCM, kéo theo toàn bộ rác rưởi nhếch nhác, hôi thối… đổ ngược vào hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt. Theo tôi, nước là tiền. Luôn có một kho bạc giấu ở đâu đó, mà chỉ khi tiết kiệm, sử dụng nguồn năng lượng bền vững, hạn chế thất thoát… thì kho bạc này mới xuất hiện”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục