Để đổi mới dạy học có hiệu quả thực chất

Câu hỏi được đặt ra là: dù đề thi có tính “mở” nhưng cách lựa chọn vấn đề không mới, nằm trong khả năng dự đoán của học sinh và giáo viên thì liệu có phát huy hết khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh?
Để đổi mới dạy học có hiệu quả thực chất

Đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức mới đây được nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh đánh giá “hay đến giật mình” vì lồng ghép nhiều vấn đề thời sự đang “nóng” hiện nay như ChatGPT, trí tuệ nhân tạo, áp lực đồng trang lứa… Trên các diễn đàn, mạng xã hội, đề thi đón nhận cơn mưa lời khen vì phù hợp với tinh thần dạy học phát triển năng lực học sinh theo chương trình mới.

Kết thúc giờ làm bài, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng phấn khởi do trong quá trình ôn luyện đã được thầy cô chuẩn bị trước nội dung về ChatGPT - ứng dụng đang thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Em Nguyễn Thụy Đan, học sinh lớp 12, Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết, đề thi khá sát với những gì em được học và ôn tập ở trường. Trong đó, các vấn đề nghị luận xã hội khá gần gũi, giúp em dễ đưa ra dẫn chứng và lập luận khi làm bài. Đây cũng là cách ra đề chung của đề thi môn Ngữ văn nhiều năm trở lại đây - lồng ghép các vấn đề thời sự vào đề thi, yêu cầu học sinh phân tích, đánh giá và liên hệ đời sống xã hội. Câu hỏi được đặt ra là: dù đề thi có tính “mở” nhưng cách lựa chọn vấn đề không mới, nằm trong khả năng dự đoán của học sinh và giáo viên thì liệu có phát huy hết khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh?

Ở góc độ giáo viên, nhiều thầy, cô cho biết, thời gian làm bài 120 phút được tính chung cho 2 câu hỏi nghị luận văn học và nghị luận xã hội, trung bình mỗi bài nghị luận học sinh làm bài trong 60 phút. Với quy định thời gian này, học sinh chỉ kịp tái hiện kiến thức được học chứ chưa có nhiều “đất” để sáng tạo, thể hiện góc nhìn riêng của bản thân đối với các vấn đề thời sự. Trước đó, vào cuối tháng 2-2023, đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có thời gian làm bài 180 phút với 2 câu hỏi. Trong đó, một câu hỏi đưa ra vấn đề nghị luận văn học và một câu hỏi về nghị luận xã hội. Đề thi cũng được nhiều giáo viên đánh giá là “bám sát chương trình nhưng thiếu tính đột phá”.

Có thể thấy, đổi mới cách ra đề và dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đang được triển khai theo hướng an toàn, chuẩn xác nhưng không mang tính đột phá. Trong đó, đề thi vẫn theo lối mòn là yêu cầu học sinh bàn luận về một nội dung được trích dẫn hoặc vấn đề đã có quan điểm đánh giá chung của xã hội, khó có cơ hội bày tỏ suy nghĩ riêng, tiếng nói ngược. Điều này vô hình trung hạn chế khả năng phản biện, đối thoại của học sinh, ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Để đổi mới thực sự phát huy hiệu quả, cần những cách làm mạnh mẽ hơn, trong đó vai trò quan trọng thuộc về trách nhiệm và quyết tâm của chính đội ngũ giảng dạy.

Tin cùng chuyên mục