Để giảm thiểu đình công trong doanh nghiệp

Thời gian gần đây xảy ra một số các cuộc đình công, ngừng việc tập thể ở nhiều công ty, doanh nghiệp sử dụng đông lao động. Các cuộc đình công, ngừng việc tập thể này thường liên quan đến chính sách lao động như chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương chưa phù hợp hoặc thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ tăng ca, làm thêm giờ… trái với quy định của pháp luật lao động khiến người lao động bức xúc.

Có thể thấy, hầu hết các cuộc đình công, ngừng việc tập thể không chỉ gây nhiều thiệt hại về mặt vật chất cho các doanh nghiệp như sản xuất, thi công bị ngưng trệ, chậm trễ các hợp đồng, đơn đặt hàng ký kết với đối tác mà còn khiến bản thân người lao động khi tham gia đình công bị mất thu nhập do ngừng việc. Nhiều vụ đình công, ngừng việc tập thể còn gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an ninh trật tự ở các địa phương nơi diễn ra đình công, ngừng việc tập thể. Thêm nữa, hiện nay trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động nhưng hoạt động của tổ chức Công đoàn vẫn còn mang tính hình thức, chưa thật sự hết mình vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Thiết nghĩ, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình công, ngừng việc tập thể - mà trong đó có nhiều cuộc đình công trái với quy định của pháp luật lao động - nhất là trong thời điểm nhà nước cũng như doanh nghiệp đang bước vào hội nhập, thực thi các cam kết hợp tác song phương, đa phương… thì bản thân doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động - phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách lao động, làm sao để chế độ tiền lương, tiền thưởng phải phù hợp và hài hòa lợi ích, đảm bảo nguyện vọng chính đáng của người lao động cũng như quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, là cơ quan đại diện hợp pháp cũng như quyền lợi chính đáng của người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng đến việc tham gia, góp ý với người sử dụng lao động khi xây dựng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể cũng như tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương, để phản ánh nguyện vọng chính đáng cũng như bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Có như vậy mới mong hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra do tranh chấp lao động trong doanh nghiệp.

NGUYỄN ĐƯỚC

Tin cùng chuyên mục