Để học sinh thêm yêu môn lịch sử

Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM) thường tổ chức  những hoạt động giúp học sinh có thêm hiểu biết và yêu quý các nhân vật lịch sử, qua đó giáo dục các em về tình yêu thiên nhiên, đất nước, biết vươn lên trong cuộc sống, sẵn sàng đấu tranh với cái ác, chia sẻ với người gặp khó khăn…
Để học sinh thêm yêu môn lịch sử

Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM) thường tổ chức  những hoạt động giúp học sinh có thêm hiểu biết và yêu quý các nhân vật lịch sử, qua đó giáo dục các em về tình yêu thiên nhiên, đất nước, biết vươn lên trong cuộc sống, sẵn sàng đấu tranh với cái ác, chia sẻ với người gặp khó khăn…

Vở kịch Trưng Nữ Vương trình diễn ở sân khấu học đường

Thầy Nguyễn Đạt Sử, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào giữa học kỳ 1, trường đã tổ chức cho học sinh hai khối 2 và 4 xem kịch Hoàng đế cờ lau Đinh Bộ Lĩnh. “Do diện tích sân trường có hạn nên mỗi lần tổ chức, chúng tôi chỉ chọn hai khối lớp tham gia. Sau hơn một giờ xem kịch ở sân trường, khi lên lớp các em sẽ tiếp tục được giáo viên chủ nhiệm cho thảo luận nhóm, bày tỏ suy nghĩ cũng như cảm xúc, mơ ước của bản thân sau khi xem xong vở diễn”, thầy Đạt cho biết.

Dự án sân khấu kịch học đường có tên gọi “Tôi yêu lịch sử Việt Nam” do Trung tâm múa rối Nụ cười phối hợp với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TPHCM thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, dự án đã đến với hơn 70 trường tiểu học và THCS bằng những vở kịch lịch sử quen thuộc gồm Phù Đổng Thiên Vương, Trưng Nữ Vương, Hoàng đế cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản ra quân và Bạch Đằng giang dậy sóng… Tại mỗi điểm diễn, câu chuyện lịch sử sẽ được làm mới trở lại với phông màn, phục trang, đạo cụ gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi. Một số vở còn được viết lại lời thoại hoặc có tình tiết biến tấu khác đi so với nguyên tác để tăng thêm phần kịch tính, lồng ghép thêm nhiều bài học đạo đức cho học sinh như biết vâng lời cha mẹ, trọng tình nghĩa anh em, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại…

Theo một lãnh đạo phòng GD-ĐT, dự án sân khấu kịch học đường đã được hai Sở GD-ĐT và Văn hóa - Thông tin cấp phép 2 năm qua, nhưng đến nay số lượng kịch ra mắt chưa nhiều, trong tổng số 514 trường tiểu học mới có khoảng 60 đơn vị đăng ký tham gia. Trong khi đó, tổng chi phí bỏ ra để dàn dựng một vở kịch, bao gồm hàng loạt yêu cầu về âm thanh, ánh sáng đi kèm là không nhỏ, mà hiệu quả thu lại chưa như mong đợi. Nhiều nơi hiệu trưởng ngại đứng ra tổ chức do lo sợ các vấn đề về trật tự, an toàn cho học sinh, chi phí hỗ trợ diễn viên đi lại (từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/học sinh/lần xem kịch)… Do đó, theo kiến nghị của nhiều đơn vị, Sở GD-ĐT nên có thêm nhiều văn bản hướng dẫn cũng như kêu gọi các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố tham gia dự án, đặc biệt hỗ trợ các trường ở các huyện ngoại thành, giúp học sinh có thêm điều kiện tiếp cận hình thức học lịch sử mới mẻ này.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục