Để khỏi lãng phí

Từ đầu năm đến nay và nhất là trong những ngày này, Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM tổ chức hết cuộc họp này đến cuộc họp khác để bàn về “dự án” xây dựng 5 bệnh viện (BV) cửa ngõ của TP. Nổi cộm lên trong các cuộc họp ấy là tìm đất ở đâu, rộng bao nhiêu để xây BV? Rồi quy mô các BV đến đâu? Dự án này bắt đầu khởi động từ cuối năm 2007, khi mà chủ trương được UBND TPHCM đồng ý. Và xét về mặt “cảm quan”, trước thực trạng quá tải của các BV công ở nội thành hiện nay thì “dự án” có vẻ phù hợp. Một cuộc họp đầu năm 2008 với lãnh đạo các BV, Giám đốc Sở Y tế cho rằng với  quy mô phát triển dân số của TP hiện nay thì 5 cửa ngõ của TPHCM thiếu tới 8.000 giường bệnh. Vì vậy, theo quy hoạch trước mắt, các cửa ngõ như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, quận 7 phải có BV đảm bảo 500 giường vào năm 2010 và 1.000 giường vào năm 2015.

Với mục tiêu tạo dựng hệ thống y tế vệ tinh để đón đầu bệnh nhân, nhất là ở các tỉnh về TP, tránh quá tải cho các BV trung tâm, “dự án” xây dựng 5 BV cửa ngõ đang được xem là “diệu kế”. Lý thuyết là vậy nhưng đã thực sự đủ cơ sở và tầm nhìn “chiến lược” để xây dựng 5 bệnh này? Theo kế hoạch dự kiến đến năm 2010, dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 50% số giường bệnh đưa vào phục vụ và 2015 phải hoàn tất giai đoạn 2. Và tổng số tiền đầu tư ít cũng vài trăm tỷ, nhiều lên là cả ngàn tỷ đồng tiền ngân sách.

Tuy nhiên, một thực tế rất phổ biến hiện nay là, vì nhiều lý do, bệnh nhân và người nhà của họ thường muốn vào chữa trị tại các BV lớn ở nội thành, thử hỏi những BV cấp quận huyện đang hoạt động có “hấp dẫn” bệnh nhân? Rảo qua một vòng các BV như Thủ Đức, Hóc Môn, quận 7, Bình Chánh sẽ thấy rất ít bệnh nhân, vắng vẻ. Khác hẳn với cảnh chen chúc nằm ngồi ngổn ngang ở các BV trung tâm, nội thành. Như vậy việc xây dựng thêm 5 BV kế cạnh nữa liệu có tránh được cảnh “đìu hiu” như các BV hiện hữu?

Có ý kiến cho rằng tại sao không tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các BV cửa ngõ hiện hữu trở nên bề thế khang trang hơn, hiện đại để thu hút bệnh nhân? Đó là phương án cũng cần phải xem xét tới. Còn nếu thực sự cần thiết xây dựng thêm 5 BV thì ở quy mô nào, tính chất ra sao? Dư luận đặt vấn đề nếu không xác định đúng tầm mức thì 5 BV xây dựng mới ấy sẽ phục vụ được mấy bệnh nhân?

Một vấn đề nữa là tính chất của các BV này: đa khoa hay chuyên khoa kỹ thuật cao? Với xu hướng dịch vụ y tế hiện nay thì tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn chuyên sâu kết hợp kỹ thuật cao cũng không phải là không hợp lý? Cái mấu chốt nữa là nhân lực, là cán bộ y bác sĩ? Trong khi không ít y bác sĩ ở BV công chạy sang BV tư và các lĩnh vực khác, cùng với công tác đào tạo “cầm chừng” hiện nay thì có đảm bảo rằng đủ y bác sĩ có tay nghề cho các BV cửa ngõ?

Xem ra, đằng sau việc xây dựng 5 BV cửa ngõ là hàng loạt vấn đề khác. Nếu không suy xét, tính toán một cách kỹ càng thì không tránh khỏi sự lãng phí, kém hiệu quả, tốn tiền của dân.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục