Nông dân loay hoay
Mấy ngày gần đây, nhiều người tiêu dùng kêu gọi chung tay “giải cứu” khoai lang tím, với giá chỉ vài ngàn đồng/kg. Nguyên nhân, khoai lang tím xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng thị truờng này tạm thời ngưng nhập khẩu. Trước đây, năm 2017-2018, ngành chăn nuôi heo cũng phải mất nhiều thời gian để phục hồi mức giá giúp nông dân có lợi nhuận.
Thời điểm đó, heo hơi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc rất được giá, cao hơn thị trường trong nước. Chăn nuôi heo phải mất nhiều tháng, nông dân mất nhiều công sức, vốn liếng đầu tư, trông chờ để được xuất khẩu với giá cao, nhưng nước nhập khẩu lại ngừng đột ngột - từng là bài học xương máu cho nông dân. Tuy nhiên, hiện tại nhiều nông dân vẫn mở rộng đàn heo để mong xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia và Trung Quốc.
Hiện nay, có thể nói tổn thương nhiều nhất là người trồng thanh long, mít, dưa hấu… khi các loại nông sản này được kêu gọi “giải cứu” rất nhiều lần. Những ngày cuối tháng 5, mít Thái được nông dân bán tại vườn với giá vài ngàn đồng/kg, so với đợt thu mua gần đây nhất có giá 50.000-70.000 đồng/kg.
Tương tự, thanh long giá thành bán ra hiện không đủ bù chi phí sản xuất. Trước đó, thời điểm tháng 2-2021, bưởi Đào được nông dân Đồng Nai trồng cũng kêu gọi “giải cứu”. Trong đợt dịch tháng 4-2021, nông sản các tỉnh miền Bắc cũng rơi vào tình trạng rớt giá sâu như cà chua từ 20.000 đồng/kg rớt còn 2.000 đồng/kg; cam sành Tuyên Quang từ 10.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg…
Theo lý giải của nhiều nông dân, khoai lang tím, dưa hấu, mít… rất dễ trồng, vốn ít, loại cây ngắn ngày nên nhanh thu lợi nhuận, nhưng nếu thương lái ngưng mua, nông dân sẽ không kịp xoay xở. Trong khi đó, thương lái chỉ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng, thuờng chỉ đặt cọc tiền rất ít, nên rất dễ xảy ra tình trạng “bẻ kèo”. Tuy vậy, theo lãnh đạo một sở NN-PTNT, nhiều nông dân không còn cách nào khác là tiếp tục sản xuất, tiếp tục phải trông chờ vào cả những thương lái đã từng quay lưng với họ.
Cần quy hoạch vùng trồng, chăn nuôi
Là một trong những đơn vị chế biến nông sản hàng đầu Việt Nam, trong đợt “giải cứu” lần này, Công ty Vinamit đã mua hàng ngàn tấn mít cũng như xoài, khoai lang… hỗ trợ nông dân. Để dự trữ được sản lượng lớn, công ty phải thuê rất nhiều kho lạnh để chế biến dần. Bởi, sản phẩm chế biến có hạn sử dụng nhất định, nếu sản xuất hàng loạt sẽ không có thị trường kịp tiêu thụ. Riêng nông dân là đối tác của công ty vẫn được mua với giá theo hợp đồng.
“Tuy nhiên, Vinamit chỉ là một cánh én - một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện còn rất ít”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ và đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi vay cho nông nghiệp từ 1%-2%, nhằm khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống máy móc, nhà xưởng bảo quản và công nghệ chế biến.
Một yếu tố khác, doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin thị trường. Đơn cử, đối với thị trường nông sản TPHCM thường tiêu thụ nhiều vào dịp cuối tuần; còn những ngày trong tuần mãi lực giảm khoảng 30%. Nếu nắm được nhu cầu, doanh nghiệp sẽ phối hợp với HTX, nông dân giảm sản lượng hoặc tăng cường đưa vào chế biến sâu như làm bột, nước ép… Dĩ nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết bền vững và không thể một sớm một chiều.
Để hạn chế nông sản dư thừa, theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu, ngoài chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nên phối hợp với các bộ ngành để nắm thông tin thị trường kịp thời. Điển hình, khoảng tháng 5 đến tháng 8, nhiều nước như Mexico, Nam Phi, Pakistan… vào mùa thu hoạch nông sản, trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần phải tính toán lại từng vụ mùa sản xuất.
Hiện nay, nhiều nước đã làm rất tốt công tác quy hoạch. Đơn cử tại Thái Lan, sản xuất nông nghiệp phải xin giấy phép mới được hỗ trợ, nếu “tự ý” sản xuất sẽ bị chế tài theo quy định pháp luật. Thái Lan quản lý rất chặt mặt hàng sầu riêng, nếu doanh nghiệp cắt quả non sẽ bị phạt, không cho xuất khẩu và giá trong nước cũng bán rẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh giá lẫn nhau trong thu mua, xuất khẩu mà không có sự quản lý chặt chẽ, xuyên suốt từ nhà nước…
Ở nhiều nước, để phát triển nông nghiệp, nhà nước thường đầu tư song hành với phát triển công nghệ chế biến (chiếm 50%-80%). Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, nhìn nhận hiện nay, với nhiều lý do khác nhau, nhiều công ty có nguồn cung nhưng thiếu đầu ra, thiếu thông tin thị trường để sản xuất cho phù hợp.
Do vậy, Nhà nước cần quy hoạch cho được vùng trồng, vùng chăn nuôi, đánh giá được tổng đàn và đặc biệt phải chú trọng yếu tố sản xuất công nghiệp thay vì thủ công. Khi hoạt động chăn nuôi mang tính chất công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ, sẽ đánh giá và kiểm soát được sản lượng, năng suất, dịch bệnh cũng như chất lượng… từ đó có những giải pháp phù hợp để điều chỉnh.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, nhận xét, ngoài vấn đề lãi suất, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm quỹ đất do giá đất tăng cao rất nhiều so với 10 năm trước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên xuất khẩu và chế biến để phục vụ khi nguồn cung dư thừa, nếu chỉ một vài doanh nghiệp như hiện nay sẽ không đáp ứng nổi.
Đơn cử, ngành tiêu cần 20-30 doanh nghiệp như Phúc Sinh thì giá tiêu sẽ tăng cao, không phải lo thương lái ép giá. Đối với sản phẩm “giải cứu”, công ty có thể mua về sơ chế sẽ bảo quản được 6 tháng, tiếp tục tinh chế sâu để có thời gian sử dụng thêm 6 tháng. Sản phẩm tươi có thể bán huề vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn còn lợi nhuận từ sản phẩm sơ chế, tinh chế để bù lại.
* Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Chia sẻ thông tin để địa phương điều tiết Trong bối cảnh nông sản còn gặp nhiều bế tắc khi mùa vụ nở rộ, dẫn đến dồn ứ trong thu hoạch, viện đang nghiên cứu trồng rải vụ với từng loại. Tùy theo vị trí địa lý khác nhau, viện nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm chỉ trồng khu vực miền Bắc, hiện đã trồng được tại Tây Nguyên như vải thiều, cam canh… Tuy nhiên, trồng rải vụ không thể giải quyết triệt để mà cần có thông tin chia sẻ để các địa phương điều tiết chính xác. Nếu không có thông tin, các vùng sản xuất ồ ạt sẽ khó tránh khỏi tình trạng dư thừa. Không chỉ trong nước, còn phải có thông tin thị trường, sản xuất của các nước xuất khẩu cùng loại sản phẩm. Bởi, nhiều nước hiện có sản phẩm cùng thu hoạch một mùa. Ở chiều ngược lại, các địa phương cần thống kê chính xác vùng trồng bằng cách cấp mã số để quản lý được số lượng. * Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận: Khống chế diện tích, khuyến khích người dân không mở rộng Quy hoạch trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận chỉ 25.000ha nhưng nay diện tích tăng lên 33.000ha, do đó, sở hạn chế mở rộng diện tích thanh long. Với trường hợp xin trồng thanh long, sở khuyến cáo người dân không mở rộng, không trồng ở vùng đất trũng... Nếu nông dân trồng, sở sẽ không cấp mã số vùng trồng. Trong trường hợp doanh nghiệp xin mở rộng, phát sinh mới, sở gửi văn bản trình UBND tỉnh xem xét. * Ông Trần Tiến Khai, chuyên gia nông nghiệp: Liên kết tạo vùng nguyên liệu riêng Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn thường có xu hướng không liên kết mà tạo vùng nguyên liệu riêng, tránh tình trạng phụ thuộc. Đơn cử, ngành thủy sản, hạt điều khi có nhà máy chế biến, phát triển thị trường là tự khắc nông dân sẽ tìm đến liên kết và không dám phá vỡ hợp đồng. Trường hợp khác, Công ty Dalat Hasfram có vùng trồng riêng và sản xuất sản lượng ổn định theo thị trường, đơn hàng nên giá sản phẩm rất cao, mang tính ổn định. Để giải bài toán trước mắt, Việt Nam cần có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa để liên kết với HTX. HTX đóng vai trò rất tốt, liên kết với nông dân mua nông sản và bán cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, hoặc đưa vào chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng... Thêm vào đó, các tỉnh đã có quy hoạch nông nghiệp cần có chế tài đối với các khu diện tích “tự phát” như không đầu tư cơ sở hạ tầng, không hỗ trợ chính sách lãi vay, không cấp mã số vùng trồng… |