Miền Trung là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản người dân. Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu những năm gần đây còn gây ra các hiện tượng khí hậu cực đoan cả về tần suất và cường độ, diễn biến khó lường, không theo quy luật. Tình trạng lũ lụt kéo dài, lũ chồng lũ không còn là hiện tượng hiếm gặp tại các tỉnh, thành miền Trung.
Mưa lũ ở miền Trung không phải bất ngờ mà theo mùa, dự báo được và có thời gian đối phó, vậy mà tổn thất năm nào cũng lớn. Phân tích, mổ xẻ nguyên nhân chủ quan mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, nhiều diễn đàn, hội thảo chủ đề phòng chống thiên tai ở miền Trung có nêu một thực tế là báo cáo sau bão lũ của các địa phương đều có phần rút kinh nghiệm, nhưng đa số đều chung chung, đại khái và na ná năm trước. Đến mùa bão lũ năm sau, những kinh nghiệm ấy lại được... rút tiếp.
Công tác diễn tập phòng chống bão lũ có diễn ra, nhưng chủ yếu ở khối cơ quan, ban, ngành, còn người dân - thường là nạn nhân trực tiếp - gần như ngoài cuộc. Những phương cách, sáng kiến có hiệu quả của người dân để có thể “sống chung với lũ”, như nhà phao ở vùng Tân Hóa (Quảng Bình), xây lắp gác lửng cao 2 - 3m gần sát nóc nhà ở Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế)... lại không được chú ý nhân rộng. Các chương trình xây nhà tránh lũ cộng đồng hay các dự án hỗ trợ dân làm nhà tránh bão lũ từng được khởi xướng ồn ào rồi nhanh chóng rơi vào lãng quên. Thậm chí, phương tiện cứu mạng cơ bản nhất là áo phao, hầu như chỉ là “tài sản” của lực lượng cứu hộ, chứ rất ít gia đình nào trữ sẵn trong nhà.
Có thể thấy, việc lên phương án cho đồng bào vùng lũ miền Trung “sống chung với lũ” khi nào còn chưa được nghiêm túc bàn thảo thì khó giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó, các vấn nạn “nhân tai” như phá rừng, khai thác tài nguyên vô tội vạ mà nhất là tình trạng phủ sóng thủy điện ở khu vực này, đã và đang trở thành mối đe dọa khôn lường đối với đồng bào vùng hạ du. Dễ thấy nhất là thủy điện “góp thêm lũ”, gây ra lũ lớn vào mùa mưa và gây khô hạn vào mùa nắng cho vùng hạ du các con sông ở miền Trung. Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dẫn chứng cụ thể về 22 tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện ở miền Trung, trong đó nổi bật là tình trạng mất đất, mất rừng, thiếu nước sinh hoạt, người dân đi tái định cư nhường đất cho thủy điện ngày một nghèo đi…
Làm gì để các dự án thủy điện ở miền Trung vừa góp phần tăng lượng điện quốc gia, vừa góp phần cắt giảm lũ như cam kết trong thiết kế? Theo các chuyên gia, cần phải minh bạch thông tin, phát triển thủy điện phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng liên quan, từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng, đến vận hành công trình. Các bộ, ngành phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ thi công thủy điện phải theo đúng quy định nhà nước, lập quy trình và tiến hành kiểm tra an toàn hồ đập; đánh giá mức độ rủi ro khi tích nước và có biện pháp ứng phó. Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện phải đảm bảo có quy trình tích nước, xả lũ đúng quy trình, an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố. Các dự án thủy điện phải có xem xét và tính toán đầy đủ các chi phí khắc phục những tổn thất gây ra cho cộng đồng dân cư ở cả vùng thượng du, hạ du về đất sản xuất, đất ở, đất canh tác rừng, về nguồn lợi thủy sản và vận tải trên sông, cũng như nguồn nước sinh hoạt và nước tưới của cộng đồng. Cần có một chiến lược quản trị lâu dài và bền vững, có trách nhiệm thực sự với cuộc sống và tương lai của hàng triệu người dân. Ngoài ra, phải nghiên cứu giải pháp mới và quan tâm nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo, hạn chế thiệt hại mà người dân đã thực hiện hiệu quả trong lũ dữ. Những hoạt động cứu trợ cần chú trọng các giải pháp lâu dài.