Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên vào ngày 7-8, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định rằng, vùng duyên hải Nam Trung bộ đang là “vùng trũng” về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Bởi, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt thấp: 378/825 xã đạt chuẩn (chiếm 45,82%), thấp hơn bình quân của cả nước là 50,8% và chỉ cao hơn vùng miền núi phía Bắc (hiện là 26,45%) và Tây Nguyên (37,73%).
Nếu so với 2 vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thì miền Trung có lợi thế và tiềm năng vượt trội. Vùng đất này có tổng diện tích 98.895 km2 (chiếm khoảng 29,6% của cả nước); dân số khoảng trên 15 triệu người (chiếm 16% dân số cả nước). Toàn vùng có trên 1.300km bờ biển, nhiều cảng biển, đường giao thông, đường sắt, đường hàng không nối liền với các vùng khác trong cả nước và quốc tế, có tài nguyên đất đai và khí hậu đa dạng, phong phú…, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển một nền kinh tế toàn diện.
Vậy tại sao miền Trung vẫn là “vùng trũng” không chỉ về xây dựng nông thôn mới mà “trũng” cả về kinh tế? Qua con số được công bố tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức tại Bình Định hôm 20-8 vừa qua cho thấy: Năm 2018, trong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 73,8% GDP cả nước, thì 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước. Từ những số liệu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “phải bắt đúng bệnh” thì mới tập trung tháo gỡ những vướng mắc, đề ra những chính sách phù hợp để miền Trung bứt phá đi lên. Bởi mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị “thoát vị đĩa đệm”. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế. Nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo.
Cũng tại hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, một cụm từ được TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, đưa ra, đã gây chú ý cho hàng trăm đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung: “Ngay bây giờ hay không bao giờ để miền Trung thoát nghèo”. Câu nói cũng đã được Thủ tướng nhắc lại trong phần phát biểu chỉ đạo của mình, là yêu cầu tất yếu. Bởi, nếu không chịu thay đổi tư duy “cục bộ địa phương”; không biết phát huy tiềm năng, lợi thế; không chịu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau… thì miền Trung vẫn cứ là “vùng trũng” kinh tế so với cả nước.
Tiềm năng, thế mạnh của miền Trung thì ai cũng thấy rõ, đó là mặt tiền của biển Đông, là nơi hội tụ nhiều sân bay, cảng biển… Chính vì vậy mà trong nhóm 5 trụ cột kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh miền Trung tập trung thực hiện trong thời gian tới đều liên quan đến kinh tế biển. Thứ nhất là ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
“Thiên thời, địa lợi” đã có, giờ đây miền Trung phải thực hiện cho được khát vọng phát triển để vươn lên mạnh mẽ.