° Đã xử lý 548.500 tỷ đồng nợ xấu
(SGGP).- Chiều 26-10, hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” được tổ chức tại trụ sở Văn phòng Quốc hội nhằm tìm ra những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu một cách triệt để, hiệu quả; cải thiện năng lực tài chính của các ngân hàng và khơi dòng tín dụng cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng một trong những yêu cầu tiên quyết là xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, thông suốt, đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý cho tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ và phát mại tài sản…
TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đề xuất: “Cần xây dựng và thông qua một đạo luật về xử lý nợ xấu hoặc có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, có giá trị trong thời hạn tối đa từ 3 đến 5 năm”. Theo ông Hùng, đúng là ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, song nợ xấu không chỉ do hệ thống ngân hàng gây ra, mà có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan; do đó “không thể để một mình ngành ngân hàng loay hoay xử lý, mà cần coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm của toàn xã hội trên tinh thần công khai minh bạch”. Vẫn theo ông Hùng, cần có biện pháp thật mạnh đối với những khách hàng cố tình chây ỳ, không trả nợ , không bàn giao tài sản bảo đảm để phát mại… “Không sớm tháo gỡ cơ chế, đừng mong xử lý nhanh nợ xấu”, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định. Dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết “hiện VAMC chưa cần thêm tiền, vì 2.000 tỷ đồng vốn được giao chưa tiêu hết, mà cần cơ chế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể như phân bổ hài hòa các khoản lãi, lỗ giữa tổ chức tín dụng bán nợ, VAMC và ngân sách nhà nước; không truy cứu trách nhiệm các cá nhân có liên quna đến mua, bán các khoản nợ xấu bị lỗ, nếu họ chấp hành đúng các quy định về mua bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm… Ông Nguyễn Mạnh Hùng và nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh, xử lý nợ xấu cần thực hiện bằng nguồn tiền thực để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng. Hệ thống thông tin nợ xấu cần được tổ chức nhằm dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
“Hiến kế” xây dựng hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu thông qua phương thức chứng khoán hóa thành trái phiếu chính phủ và phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp có nợ xấu, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã chỉ ra nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và đề xuất Chính phủ và các cơ quan hữu quan cho phép xây dựng đề án thực hiện phương thức này; thực hiện một cách thận trọng với các đối tượng và phạm vi được lựa chọn trước khi áp dụng rộng rãi.
Theo thông tin tại hội thảo, tính đến thời điểm 31-8-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 57,2% do tổ chức tín dụng tự xử lý, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác). Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cho thấy việc xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và VAMC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
ANH PHƯƠNG