Đề nghị cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy

Ngày 3-3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO).

Vi phạm trong cổ phần hóa

Quá trình thanh tra, đơn vị thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng phương án cổ phần hóa VIVASO. Cụ thể, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, VIVASO phải thực hiện việc xác nhận, đối chiếu công nợ và phải được khách nợ, chủ nợ ký biên bản, nhưng trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp VIVASO xác nhận, đối chiếu cả những khoản công nợ khi chưa được khách nợ, chủ nợ ký biên bản đối chiếu; việc này là vi phạm quy định của Bộ Tài chính; cảng Hà Nội (thuộc VIVASO) không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền hơn 16,3 tỷ đồng là vi phạm các quy định Luật Kế toán, dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai, mất vốn Nhà nước với số tiền hơn 16,3 tỷ đồng.

TTCP cũng chỉ ra, Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam, VIVASO thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, thiếu danh mục cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (dự án WB6); chưa xử lý dứt điểm tài sản với quyền sử dụng đất, vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ cổ phẩn hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy, trong đó có Cảng Hà Nội

Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ cổ phẩn hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy, trong đó có Cảng Hà Nội

Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng thiếu trách nhiệm, không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không thể đồng thời thực hiện cổ phần hóa VIVASO và Công ty TNHH MTV Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6 (trong khi việc cổ phần hóa VIVASO và việc thực hiện dự án WB6 đều do Bộ GTVT chỉ đạo và quản lý).

VIVASO khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015 - 2020) là vi phạm khoản 4, điều 124 Luật Xây dựng năm 2014, cần phải được các cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định, thu về ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận thu được do sử dụng.

Những việc làm trên đã dẫn đến hậu quả là phương án cổ phần hóa của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền khoảng hơn 134,9 tỷ đồng.

“Để xảy ra tồn tại và hậu quả nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án, Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT khi thực hiện đầu tư xây dựng; VIVASO, tổ giúp việc, đơn vị tư vấn, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa khi thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa không đúng quy định”, TTCP nêu trong kết luận.

Xác định không đúng giá trị doanh nghiệp

Trong khi đó, TTCP cũng chỉ ra những dấu hiệu vi phạm trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa không đầy đủ, thiếu cơ sở. Theo đó, trong việc xác định tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc của cảng Hà Nội, cảng Việt Trì: Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam đã xác định giá trị một số tài sản của 2 cảng trên, trong đó áp dụng hệ số trượt giá không đầy đủ, thiếu cơ sở, mà không xác định theo suất vốn đầu tư được quy định tại Quyết định số 439 ngày 26-4-2013 của Bộ Xây dựng, từ đó làm giảm giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa với số tiền hơn 21,2 tỷ đồng so với giá trị Bộ GTVT phê duyệt, làm sai chỉ số trượt giá quy đổi, giảm giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa giảm sai so với giá trị Bộ GTVT phê duyệt với tổng số tiền hơn 22,6 tỷ đồng thuộc trách nhiệm Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam; tổ giúp việc, VIVASO, ban chỉ đạo cổ phần hóa trong việc phối hợp, thẩm tra, giám sát và chỉ đạo. Số tiền tăng sai nêu trên, TTCP đề nghị cần phải được xử lý thu hồi về ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, TTCP cho biết, việc xác định tài sản tại cụm cảng Hòa Bình, được Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam đã xác định giá trị còn lại giảm hơn 49,9 tỷ đồng so với giá trị sổ sách kế toán. TTCP khẳng định, điều này là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 30 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ.

Kết luận của TTCP nêu, căn cứ vào Nghị định số 59 nêu trên và tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản theo sổ sách kế toán để xác định lại giá trị còn lại của tài sản cụm cảng Hòa Bình, sau khi trừ giá trị bàn giao nhóm tài sản (đường dân sinh, đi vào khu có dân cư sinh sống, đường chuyên dụng đi vào mặt đập của Thủy điện Hòa Bình giao lại cho tỉnh Hòa Bình quản lý), thì tài sản cụm cảng Hòa Bình được đánh giá lại qua tính toán giá trị tài sản để cổ phần hóa vẫn tăng hơn 27,6 tỷ đồng so với giá trị Bộ GTVT phê duyệt. Số tiền này, TTCP kiến nghị cần thu hồi về ngân sách Nhà nước. TTCP còn chỉ ra những việc làm không đúng trong việc tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

Trong việc thoái vốn Nhà nước, TTCP xác định, Bộ GTVT chuyển nhượng hơn 6,5 triệu cổ phần của VIVASO cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo hình thức thỏa thuận trực tiếp là theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính khi có một nhà đầu tư đăng ký mua và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Văn bản số 6424. Còn việc HĐQT VIVASO ban hành nghị quyết bán số cổ phần trên trước khi thực hiện các bước lựa chọn tổ chức tư vấn phương án thoái vốn, công khai việc chào bán cổ phần là không đúng về trình tự thời gian.

Đề nghị Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận hồ sơ

Từ những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa; xác định giá trị của doanh nghiệp để cố phần hóa; việc xác định giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và việc thoái vốn Nhà nước đã được nêu trong phần kết quả và kết luận thanh tra.

Đặc biệt, chỉ đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan TTCP về nội dung cổ phần hóa đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư hơn 134,9 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để cố phần hóa, thoái vốn sai, mất vốn Nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền hơn 16,3 tỷ đồng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục