Đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính 3 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội)

Tại phiên họp, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội và nhiều đơn vị hành chính ở các địa phương khác. 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Ngày 16-3, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 34, thẩm tra Báo cáo tổng kết của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026; thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố. Phiên họp được truyền hình trực tuyến tới các đoàn ĐBQH trên cả nước.

Tại phiên họp chiều nay, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội.

Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và điều chỉnh 1 tổ dân phố (Tổ 28 – Tập thể Bệnh viện 19-8) thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).

Theo Chính phủ, hiện nay, 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân (gồm các tổ 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31 và 32) tuy thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng toàn bộ cư dân thuộc 8 tổ dân phố này đều đăng ký hộ khẩu thường trú và thực hiện mọi giao dịch hành chính, dân sự tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (bao gồm cả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở).

Việc quản lý dân cư không theo địa giới hành chính tại khu vực này bắt đầu từ năm 1982, sau đó có quyết định của UBND huyện Từ Liêm năm 1992 và UBND thành phố Hà Nội năm 2007 giao quận Cầu Giấy quản lý toàn diện đối với 8 tổ dân phố này.

Tương tự, theo bản đồ và hồ sơ địa giới hành chính 364 thì tổ dân phố số 28 – Tập thể Bệnh viện 19-8 thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) nhưng dân cư của tổ dân phố này cũng do phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Quá trình này hình thành từ năm 1976 mà không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền (khu vực Bệnh viện 19-8 vốn thuộc địa giới xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm nên khu tập thể cán bộ, công nhân viên ở liền kề cũng ghi địa chỉ theo Bệnh viện để thuận tiện cho việc làm thủ tục hành chính).

Theo Đề án của Chính phủ, việc phường Nghĩa Tân, phường Mai Dịch của quận Cầu Giấy thực hiện quản lý dân cư tại các tổ dân phố nằm ngoài địa giới hành chính của đơn vị mình là không đúng quy định của pháp luật, chồng chéo về thẩm quyền trong quản lý cư trú, quản lý địa giới và an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến người dân trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân. Vừa qua, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã nhận thức rõ vấn đề này và đã có chỉ đạo giải quyết theo hướng: Đối với các tổ dân phố đang được các quận, các phường quản lý ngoài địa giới hành chính thì phải thực hiện bàn giao để quản lý theo đúng địa giới hành chính và các quy định của pháp luật về quản lý dân cư.

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, hướng giải quyết nêu trên của thành phố Hà Nội không nhận được sự đồng thuận của người dân ở các địa phương này do sợ bị ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống, thay đổi các loại giấy tờ, hộ khẩu nên có nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh vượt cấp.

Các ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù việc quản lý dân cư nằm ngoài địa giới hành chính trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm là chưa đúng với nguyên tắc về quản lý hành chính nhà nước, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý dân cư, quản lý đất đai… nhưng đây là vấn đề do lịch sử để lại, đã kéo dài nhiều năm, cần có giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc mong muốn, nguyện vọng của người dân và bảo đảm tính ổn định trong quản lý hành chính. Thường trực Ủy ban tán thành phương án của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính tại các khu vực có liên quan để tránh ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống của nhân dân.

Một số đại biểu cho rằng, qua rà soát, trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm có 2 tổ dân phố (tổ 28 và tổ 29 - Tập thể Bệnh viện 19-8) đang do phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thực hiện quản lý dân cư nhưng Chính phủ chỉ đề nghị điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của tổ 28 sang phường Mai Dịch quản lý, còn đối với tổ 29 thì không đề nghị, vì cử tri ở phường Mỹ Đình 2 không đồng ý. Do đó, ý kiến này đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội làm rõ giải pháp xử lý đối với việc quản lý dân cư trên địa bàn tổ dân phố số 29.

Chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần làm rõ giải pháp, xác định rõ trách nhiệm, thời hạn, kinh phí thực hiện bàn giao, chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; nghiên cứu phương án miễn phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thay đổi con dấu, giấy tờ.

Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật còn thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin cùng chuyên mục