Khoảng 7 giờ 50 phút, chuyến xe đầu tiên làm nhiệm vụ đưa rước cán bộ từ Bình Dương về đến Bến xe buýt Sài Gòn (công viên 23-9, phường Bến Thành, TPHCM). Tiếp sau đó, 5 chiếc xe từ Bình Dương cũng lần lượt về bến xe này, nhưng tất cả đều trống, vì chưa có cán bộ nào lên TPHCM làm việc bằng phương tiện này trong ngày đầu TPHCM mới vận hành.

Lái xe Nguyễn Văn Nhân điều khiển xe đưa rước từ Bình Dương cho biết, 5 ô tô (2 xe 45 chỗ, 3 xe 16 chỗ) chờ sẵn tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương để đưa rước cán bộ lên TPHCM làm việc. Đến giờ khởi hành (gần 6 giờ sáng), 2 ô tô 45 chỗ di chuyển khỏi Trung tâm hành chính Bình Dương nhưng không có một cán bộ nào lên xe. Lộ trình đón từ Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương sau đó lần lượt di chuyển đến các điểm đón như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - Tòa nhà Becamex Tower - siêu thị Lotte mart Bình Dương - TPHCM.
“Theo lịch trình điểm đón ngày đầu tiên, chưa thấy cán bộ nào tại Bình Dương đi xe đưa rước”, tài xế Nguyễn Văn Nhân cho biết. Một phụ xe trên xe đưa rước cho hay, khi xe dừng tại các điểm đón, nhân viên chụp ảnh gửi về cho quản lý để báo cáo hành trình chấm công. Sau khoảng 5 phút không có người lên xe, xe tiếp tục hành trình về lại TPHCM.
Tương tự, hơn 8 giờ cùng ngày, 5 chuyến xe đưa rước cán bộ từ Bà Rịa - Vũng Tàu về đến bến xe buýt Sài Gòn nhưng đều không có cán bộ nào trên xe. Tài xế Nguyễn Công Phước phụ trách đoàn xe đưa rước cán bộ từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM làm việc cho biết, xe xuất phát đi đón lúc 5 giờ 40 phút và về đến Trung tâm TPHCM mất khoảng 2 tiếng 20 phút, lộ trình tương đối thông thoáng, không xảy ra kẹt xe.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, thời gian đầu, trung tâm sẽ bố trí mỗi ngày 6 lượt vận chuyển: 3 lượt đưa đi - 3 lượt đón về và được chia thành 2 khung giờ khác nhau để phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức từ Trung tâm hành chính Bình Dương, Trung tâm hành chính Bà Rịa - Vũng Tàu đến Trung tâm hành chính TPHCM. Tổng số lượt đưa đón từ các điểm này là 12 chuyến đi và về. Sau khi nhu cầu đi lại ổn định, trung tâm sẽ tăng chuyến phục vụ tốt hơn việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Phương án tổ chức này nhằm đưa rước miễn phí công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đơn vị sự nghiệp công lập. Viên chức sử dụng thẻ công chức, viên chức để sử dụng dịch vụ khi lên xe. Phương tiện hoạt động đưa rước gồm 4 xe 45 chỗ ngồi và 6 xe 16 chỗ. Trên xe có lắp đặt wifi. Các phương tiện sẽ thể hiện bảng thông tin “Xe đưa rước công chức viên chức” phía trước kính chắn gió để dễ dàng nhận biết.
* Ngày 1-7, ông Nguyễn Văn Sơn, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Đông Hà cho biết, đoàn tàu DH2 phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách sau khi sáp nhập giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị (mới) phải tạm hoãn vì quá ít hành khách đăng ký. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị (cũ) phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mở đôi tàu DH1 và DH2 từ ga Đông Hà ra ga Đồng Hới và ngược lại nhằm tạo điều kiện cho hành khách, nhất là cán bộ, công chức đi làm việc sau sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, đến tối 30-6, đoàn tàu DH2 (7 toa xe, công suất 450 hành khách) về ga Đông Hà chỉ có 2 hành khách đặt mua vé.