Đề nghị đưa điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá

ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, cần bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Các ĐBQH dự họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Các ĐBQH dự họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Góp ý vào danh mục bình ổn giá, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, danh mục hàng hóa được bình ổn cũng cần tính toán. Danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục, tại sao chọn thịt heo mà không phải là thịt khác, tại sao là vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá. Trong khi đó qua đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể danh mục vào luật, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết loại hàng hóa cần bình ổn giá.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định trong tình huống dịch bệnh xảy ra thì có biên độ giá cụ thể, đâu là giá tối thiểu, giá tối đa về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, cần bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa bình ổn giá vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. “Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Điện cần được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá”, ĐB Nguyễn Quốc Luận thể hiện quan điểm. Đây cũng là quan điểm của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Một số ý kiến nhất trí việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. ĐB Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, cần cân nhắc chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm. Ảnh: QUANG PHÚC

Có quan điểm ngược lại, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất bỏ cả giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Đồng tình với việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, giao cho doanh nghiệp quản lý quỹ là không phù hợp, cần giao Bộ Tài chính quản lý. Đồng thời cần quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì quỹ để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu rất kỹ.

Quốc hội họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá trần hàng không nội địa. Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, xác định rằng việc duy trì quỹ này là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

Tin cùng chuyên mục