Đề nghị Trung Quốc xả nước để chống hạn và xâm mặn ở ĐBSCL

Đề nghị Trung Quốc xả nước để chống hạn và xâm mặn ở ĐBSCL

(SGGPO).- Trả lời câu hỏi của báo giới bên lề hội nghị với các đối tác và nhà tài trợ đối phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên tổ chức chiều 15-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc xả nước các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Me Kong để giảm thiểu thiệt hại và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

* Thưa Bộ trưởng, hiện nay một phần nguyên nhân hạn hán khốc liệt và xâm nhập mặn sâu ở ĐBSCL là do lưu lượng nước trên sông Me Kong về Việt Nam quá ít so với mọi năm. Vậy chúng ta có đề nghị Trung Quốc xả nước tại các hồ chứa thượng nguồn để tăng lưu lượng nước về hạ lưu?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để ứng phó tình hình thiên tai xuất hiện kỷ lục tại Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT làm việc với phía TQ để đề nghị phía TQ xả nước từ các hồ chứa thủy điện để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay các bộ đang triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời phỏng vấn

* Khi đề nghị thì chúng ta đã có tính toán cụ thể về lưu lượng xả, thời gian xả như thế nào và theo bộ trưởng, việc xả nước trên thượng nguồn sông Me Kong có tác dụng giảm xâm mặn ở ĐBSCL của chúng ta không?

- Các chuyên gia đã tính toán, nghiên cứu và có các thông số kỹ thuật để Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT có cơ sở để làm việc và đề nghị phía Trung Quốc cân đối lưu lượng xả tại các hồ chứa. Tùy theo lượng nước xả nhưng nếu phía TQ thực hiện thì theo tôi tình trạng hạn hán kỷ lục do El Nino và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL sẽ đỡ hơn. Cũng không chỉ riêng Việt Nam mà hiện ở các nước trong lưu vực cũng đang bị hạn, nhất là Thái Lan.

* Việt Nam cũng là thành viên của Ủy hội sông Me Kong, chúng ta cần và sẽ làm gì để có tiếng nói, cải thiện tình hình dòng chảy và quản lý nguồn tài nguyên nước trên sông này?

- Vừa qua, trong khuôn khổ của Ủy hội sông Me Kong, bao gồm có Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan, chúng ta đã có nhiều hoạt động và đạt được thỏa thuận có liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Me Kong cũng như thỏa thuận về xây dựng các công trình trong lưu vực và các thỏa thuận hợp tác đã có tác động tích cực. Tuy nhiên trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cùng khai thác có lợi nhất cho cả các bên có liên quan. Sông Me Kong không chỉ có liên quan tới 4 nước mà còn liên quan tới cả TQ và một phần Myanmar nên chúng ta cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ với các nước đó. 

* Về lâu dài chúng ta có tính đến việc đắp đập ngăn mặn và trữ nước ngọt ở các sông thuộc ĐBSCL?

- Việc đắp đập tùy theo điều kiện của từng nơi. Cách đây hơn 10 năm, chúng ta đã từng đầu tư xây dựng một công trình cống ngăn mặn trên sông Ba Lai – Bến Tre, là một nhánh của sông Cửu Long và đã phát huy tác dụng rất tốt. Tuy nhiên do khả năng nguồn vốn có hạn nên chúng ta mới chỉ đắp được một cống ở ven biển mà chưa xây được các cống ở dọc sông Ba Lai nên hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào tận TP Bến Tre.

Thực ra chúng tôi đã cùng với các chuyên gia quốc tế bàn bạc, nghiên cứu xây dựng các dự án, hệ thống khép kín có thể giúp chúng ta trữ ngọt với quy mô lớn hơn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt cũng như sản xuất. Tuy nhiên việc xây dựng còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, nguồn vốn của chúng ta. Hiện nay chúng ta đã thiết kế một loạt hệ thống dự án và đang từng bước thực hiện. Cũng có những đề xuất về xây dựng các công trình trên các dòng chính như trên sông Tiền, sông Hậu… song việc xây dựng trên các sông này không chỉ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn mà còn cần nghiên cứu kỹ hơn những tác động lớn về mặt môi trường và trên các lưu vực mà có liên quan đến nhiều quốc gia về mặt đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên thì cần phải trao đổi bàn bạc với các quốc gia.

Vừa qua chúng ta cũng đã phối hợp với Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Thế giới cũng như các nhà tài trợ tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch thủy lợi có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác, thông qua các quy hoạch đó có thể lựa chọn những dự án ưu tiên đầu tư mà theo cách nói của các chuyên gia quốc tế là “những giải pháp không hối tiếc” trong mọi tình huống cần phải thực hiện. Hiện nay chúng tôi cũng đã tập hợp báo cáo Chính phủ về việc huy động các nguồn lực để triển khai nhằm tính đến những giải pháp trung và dài hạn cho ĐBSCL.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục