Để những đau thương đừng lặp lại

Liên tiếp trong 3 ngày của kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2015, số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đều tăng mạnh so với ngày thường. Những con số thống kê lạnh lùng được cập nhật mỗi ngày khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.

Liên tiếp trong 3 ngày của kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2015, số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đều tăng mạnh so với ngày thường. Những con số thống kê lạnh lùng được cập nhật mỗi ngày khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.

Đã bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của được các cấp chính quyền và toàn xã hội bỏ ra nhằm kéo giảm TNGT, vậy mà cho đến tận bây giờ, bình quân mỗi ngày lễ, tết vẫn có khoảng 30 - 35 người không bao giờ được trở về ngôi nhà ấm áp của mình. Đó là chưa kể bao nhiêu người phải trải qua những đớn đau về thể xác, ám ảnh về tinh thần, những tổn thất về vật chất do TNGT. Không ai dám chắc, những đau thương mất mát vì TNGT kia sẽ không lặp lại. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất mát người thân, còn sự lo lắng nào hơn khi rủi ro luôn rập rình mỗi khi bước chân ra khỏi nhà?

Không thể phủ nhận công tác đảm bảo trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến. Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy các chỉ tiêu số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT của năm 2014 đã giảm so với năm trước.

Năm 2014 cũng là năm được ghi nhận lần đầu tiên số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người. Tuy nhiên, năm 2014 vẫn là năm “thảm họa” của giao thông đường bộ với nhiều vụ tai nạn thảm khốc, làm chết hàng chục người. Đặc biệt, TNGT vẫn tăng mạnh trong những ngày nghỉ lễ vừa qua là bằng chứng cho thấy nguy cơ TNGT vẫn còn rất cao, hiệu quả kiềm chế TNGT chưa bền vững. Mặc dù phân tích của Ủy ban ATGT quốc gia về nguyên nhân các vụ tai nạn phần lớn là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện nhưng rõ ràng công tác quản lý nhà nước vẫn đang có nhiều vấn đề. Thực tế rất nhiều vụ TNGT sau khi xảy ra mới lộ ra những kẽ hở, từ quản lý phương tiện, quản lý lao động cho đến công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… Rất nhiều vụ TNGT được đánh giá là hoàn toàn có thể phòng tránh được, nghĩa là không ít người đã ra đi oan uổng vì sự tắc trách ở đâu đó, của ai đó, mà sự tắc trách thường có lý do từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Rõ ràng, việc buông lỏng quản lý, thiếu sát sao, thiếu khoa học đã khiến cho những giải pháp được đưa ra chỉ có hiệu quả nửa vời. Chỉ nói đơn giản, cho đến bây giờ, số liệu thống kê về các vụ TNGT, số người chết và số người bị thương vẫn chưa thật sự chính xác, còn chênh nhau giữa các cơ quan cung cấp. Nếu chưa có một con số chính xác thì làm sao các cơ quan chức năng có thể phân tích chính xác về nguyên nhân, về nguy cơ TNGT và từ đó có những giải pháp tốt hơn để ngăn chặn.

Thêm một ví dụ nữa, trong số hàng loạt các giải pháp được đưa ra, đã không ít lần vị tư lệnh ngành GTVT nhấn mạnh đến giải pháp quy trách nhiệm cho người đứng đầu, nghĩa là địa phương nào có TNGT tăng cao lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng đến nay đã có lãnh đạo nào bị xử lý kỷ luật vì để TNGT tăng hay chưa, kỷ luật ở mức nào thì người dân chưa có thông tin. Thậm chí, hiện nhiều địa phương để xảy ra tình trạng xe quá tải ngang nhiên phá nát quốc lộ, đe dọa nghiêm trọng ATGT nhưng lãnh đạo vẫn “bình chân như vại”. Còn một điều nữa đang được rất nhiều người dân “tâm tư” trong những ngày gần đây, đó là cách giải quyết sự cố của Bộ trưởng Đinh La Thăng hình như đang “mất thiêng”. Giá như, sự quyết liệt của vị bộ trưởng năng động, dám nghĩ dám làm đó thể hiện ở việc làm cho cả bộ máy thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì ông sẽ không còn phải đi giải quyết những hậu quả đau lòng. Nhiều ý kiến đồng tình rằng, nếu được chủ động rà soát, quản lý thi công chặt chẽ hơn, đúng quy trình hơn thì có lẽ vụ TNGT rơi sắt thép ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã không liên tiếp xảy ra, nếu các cơ quan quản lý bám sát thực tế hơn thì cầu vượt trước cổng Viện K Hà Nội có lẽ đã được xây dựng sớm hơn mà không cần người dân phải có tâm thư gửi Bộ trưởng sau khi đã có quá nhiều vụ TNGT.

Giải pháp nào để kiềm chế TNGT vẫn đang được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trên nhiều diễn đàn, thế nhưng nguy cơ TNGT tăng, đặc biệt trong những ngày lễ tết thì vẫn còn đó. Tại hội nghị ATGT toàn quốc mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phải thực hiện nghiêm các giải pháp đã có, đồng thời cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT. Rõ ràng, nếu không siết chặt lại công tác quản lý, nếu không tìm thêm những giải pháp mang tính đột phá trong việc đảm bảo trật tự ATGT thì mục tiêu mà Quốc hội giao là giảm cả 3 tiêu chí từ 5% - 10% ở từng địa phương trong năm 2015 sẽ là một thách thức không nhỏ.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục