Để nợ công không là áp lực

Nợ công tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn cho phép (50%). Bên cạnh đó, các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, mức dư nợ công theo báo cáo chưa bao gồm các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách như: nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản... Nếu tính đủ các khoản này thì thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp, song trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho ngân sách…

Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), năm 2016, nợ công lên đến 64,98%, gần mức trần 65% mà Quốc hội đưa ra; nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng cho phép là 50%. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018. Đến thời điểm này, tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng nếu tăng trưởng ở mức 6,3% dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Như vậy, nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra… Trong khi vốn vay sử dụng chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải làm rủi ro tài chính, mất an toàn nợ công. “Chính phủ phải có chiến lược trả nợ rõ ràng, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu; cơ chế phân bổ vốn và giám sát minh bạch…”, ĐB Phùng Đức Tiến đề nghị.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thực hiện hàng năm chúng ta phải đảo nợ: năm 2013 đảo nợ 47.000 tỷ đồng, năm 2014 là 106.000 tỷ đồng, năm 2015 là 125.000 tỷ đồng và năm nay 2016 là 95.000 tỷ đồng. Do đó, “nhận định về nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là rất đúng”. Nhấn mạnh các giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách. Luật Quản lý nợ công hiện Bộ Tài chính đã đã tổng kết đánh giá và thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bộ đang rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo đề án tái cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công. Cùng với đó là từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công. Đầu tiên tái cơ cấu lại, đẩy mạnh phần nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài (hiện nợ trong nước 57% và nợ nước ngoài 43%), tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công.

Theo các chuyên gia, để an toàn nợ công, thời gian tới, Chính phủ cần lưu ý việc phân bổ vốn vay phải căn cứ vào kế hoạch, chiến lược phát triển, tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được xác lập, tạo căn cứ cho việc điều chỉnh, cắt giảm đầu tư để giữ vững chỉ tiêu giới hạn nợ trong trường hợp các chỉ số vĩ mô không đạt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, việc phê duyệt các công trình, dự án sử dụng vốn vay cần được xem xét thận trọng hơn trên cơ sở giới hạn mức vay nợ, cân nhắc tính cấp thiết, hiệu quả của từng công trình, dự án; tăng cường các biện pháp, chế tài, hình thức kiểm tra, giám sát nhằm thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý, kiểm soát vốn ODA; kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, khống chế mức bội chi năm sau thấp hơn năm trước để giảm nợ công…

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục