Sản lượng lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay khá lớn. Được mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa thấp (có nơi chỉ bán được 2.500-2.700 đồng/kg – lúa tươi bán tại ruộng). Để nông dân bớt khó khăn và có lời 30%, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các công ty lương thực thu mua 400.000 tấn gạo (tương đương 800.000 tấn lúa với giá tối thiểu 3.800 đồng/kg). Đợt thu mua đã kết thúc nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu các công ty trong hiệp hội tiếp tục mua 500.000 tấn gạo (tương đương 1 triệu tấn lúa) cũng với mức giá tối thiểu 3.800 đồng/kg. Tuy nhiên, giới kinh doanh lương thực am hiểu tình hình nhận định chủ trương là vậy nhưng chưa chắc nông dân bán được lúa với mức giá trên và cho rằng chủ trương trên chỉ làm “béo cò” một số thương lái, chủ chành, chủ vựa có tiềm lực tài chính, có mối quan hệ “hữu hảo” với các công ty lương thực. Đâu là nguyên nhân của nhận định trên?
Thực tế lâu nay cho thấy, đa số các công ty lương thực không trực tiếp mua lúa của nông dân mà thông qua thương lái, các chủ chành, chủ vựa với cách làm ăn như sau: Đến mùa, thương lái trực tiếp mua lúa tươi của nông dân tại ruộng, đem về phơi sấy, xay xát thành gạo rồi bán cho các chủ chành, chủ vựa.
Chủ chành, chủ vựa mua gạo của thương lái, tập trung lại với số lượng kha khá rồi chở bán cho các công ty lương thực. Như vậy hạt lúa từ nông dân đến các công ty lương thực phải qua hai nấc trung gian: thương lái, chủ chành, chủ vựa. Mà hễ cứ qua một nấc trung gian là một lần “phết phẩy”. Bởi vậy, mức giá tối thiểu Chính phủ quy định 3.800 đồng/kg nông dân đâu có được hưởng trọn mà phải trừ chi phí phết phẩy qua hai nấc trung gian. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận mặt tích cực của hệ thống thương lái, chủ chành, chủ vựa ở ĐBSCL là một kênh phân phối lưu thông có hiệu quả ở vựa lúa Nam bộ. Nếu không có hệ thống lưu thông, phân phối này thì nông dân ở các vùng sâu, vùng xa khó lòng tiêu thụ được nông sản làm ra khi cần tiền, khi vụ mùa đến.
Từ thực tế trên có hai vấn đề đặt ra: Một là các công ty lương thực không nên thụ động ngồi một chỗ và chỉ bằng cách ra giá để thu mua lúa, gạo của thương lái, chành vựa như lâu nay mà phải tổ chức hệ thống chân rết mua lúa trực tiếp của nông dân. Làm như vậy là giúp nông dân bán được nông sản, không bị ép giá và có được mức lợi nhuận hợp lý như chỉ đạo của Chính phủ. Và làm được điều này chính là sự thể hiện liên minh công - nông về mặt kinh tế. Hai là giáo dục giới thương lái, chành vựa cung cách làm ăn văn minh, hài hòa lợi ích cả đôi bên, không ép giá nông dân để đạt lợi nhuận tối đa.
Để nông dân trồng lúa lời 30%, khâu tiêu thụ nông sản phải được tổ chức một cách khoa học, thông suốt, đều khắp ở cả thị trường trong nước và ngoài nước và các công ty lương thực có vai trò chi phối.
LÊ MINH