Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp tết, lễ hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882 về việc tổ chức Tết 2018, trong đó nêu rõ trong dịp tết, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn tết. Thị trường hàng hóa tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.
Không phải Tết năm 2018 này Ban Bí thư mới có chỉ thị nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên. Mà Tết năm 2017, Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết, lễ hội…
Việc tặng quà tết, nhận quà tết là chuyện được cho là “nhạy cảm”, vì thế hơn một lần Ban Bí thư phải có chỉ thị nêu rõ về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ ngoài các chỉ thị, công điện yêu cầu quán triệt tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư còn thường xuyên nhắc lại ở các hội nghị của Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2018 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tái khẳng định yêu cầu nghiêm cấm việc tặng quà tết cho cấp trên. Tại hội nghị Chính phủ mở rộng với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ 2018 Thủ tướng cũng yêu cầu “Tết này địa phương không được về Trung ương chúc tết”.
Tặng quà nhau trong dịp lễ, tết là truyền thống văn hóa của người Việt. Đây là dịp đặc biệt nhất trong năm để người ta bày tỏ tình cảm, sự biết ơn, tri ân đến những người mà họ trân trọng. Quà tết có thể không tính giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa sâu xa, đánh dấu thời điểm năm hết tết đến, là lời cảm ơn trong năm qua và chúc năm mới tiến bộ. Người ta vẫn nói tới khái niệm tết thầy, là dịp để trò biểu thị tình cảm với những người thầy cô đã từng dạy mình; cấp dưới đến tặng quà cấp trên để thể hiện lòng biết ơn về sự dìu dắt, giúp đỡ trong suốt 1 năm; người bệnh cảm ơn thầy thuốc đã cứu sống… Với ý nghĩa đó, không chỉ là cấp dưới tặng quà cấp trên mà cấp trên cũng tặng quà cấp dưới, thay cho lời cảm ơn các cộng sự, những người đã đồng lòng cùng mình vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, quà tết phải thực sự từ tấm lòng, từ sự tri ân, chứ không dừng ở giá trị vật chất, là sự trao đổi để trục lợi, là những “phong bì” lót tay để chạy dự án, chạy chức chạy quyền. Thực tế thì thời gian qua, nét đẹp văn hóa này đang bị lợi dụng để “ngụy trang” cho những hành vi tiêu cực, mua quyền, chạy chức.
Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi doanh nghiệp không được đến hối hộ chính quyền. Tác động này là tác động từ hai phía, anh nhận hối lộ và anh đưa hối lộ. Vấn đề quà tết cũng tương tự, không thể biến tướng thành việc nhận hối lộ và đưa hối lộ. Bởi vậy, để ngăn chặn sự biến tướng, cần phải chấp hành nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hạn chế tiêu cực thì chủ trương, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ nghiêm cấm tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức cũng mới chỉ là giải pháp tình thế. Bởi một khi quyền lực không được kiểm soát rất dễ dẫn tới việc người ta có thể mua bán được thông qua quà biếu. Về lâu dài, cần có những chế tài để hóa giải việc có mua chuộc cũng không thể làm gì được. Đấy mới là giải pháp căn cơ, bền vững. Theo đó, các quy định trong luật pháp phải kiểm soát được quyền lực để người có quyền không thể tự do ban phát. Khi người ta tìm mọi cách, chạy mọi cửa để mua, để chạy mà không được, tự nhiên việc chạy chức, mua chức sẽ mất đi.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm 2018 cũng nhấn mạnh, nếu trong quá trình làm việc chúng ta luôn luôn minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi thì người ta sẽ không phải đến để tặng quà tết. Việc tặng quà sẽ trở thành phổ biến nếu cấp dưới, địa phương, doanh nghiệp bị cản trở, gây khó dễ. Vì thế, nếu thực sự tạo ra một môi trường công vụ công tâm, minh bạch thì nạn phong bì, quà biếu, quà tết sẽ dần bị triệt tiêu. Nhưng để có một môi trường công vụ trong sạch cần phải bảo đảm chính sách cho những người thực thi công vụ. Chính sách nhà ở, tiền lương... cần phải điều chỉnh để tạo ra sự ổn định, nếu người thực thi công vụ được bảo đảm một cuộc sống tốt thì họ không cần nhận hối lộ, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.
LÂM NGUYÊN