Để sách đến với người đọc

Sách là chìa khóa mở cửa những lâu đài tâm hồn, trí tuệ. Sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên. Sách cũng là người bạn tâm giao, chia sẻ cùng ta những nỗi niềm sâu kín. Sách dạy ta biết sống và biết hy sinh. Sách vực dậy tâm hồn ta những phút yếu mềm; khơi nguồn, tỏa rạng những dòng suối, những khoảng trời yêu thương, hy vọng, niềm tin mỗi lúc ta nao lòng, xao xuyến.

Sách là chìa khóa mở cửa những lâu đài tâm hồn, trí tuệ. Sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên. Sách cũng là người bạn tâm giao, chia sẻ cùng ta những nỗi niềm sâu kín. Sách dạy ta biết sống và biết hy sinh. Sách vực dậy tâm hồn ta những phút yếu mềm; khơi nguồn, tỏa rạng những dòng suối, những khoảng trời yêu thương, hy vọng, niềm tin mỗi lúc ta nao lòng, xao xuyến.

Cũng như việc học, ngày nay trong thời đại kinh tế tri thức, kinh tế thị trường, đọc sách không còn là một thú vui giải trí đơn thuần. Đọc sách cũng nhằm hướng tới 4 mục đích là đọc để biết, đọc để làm, đọc để chung sống và đọc để tồn tại. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội học tập, tri thức hóa toàn dân. Đọc sách, nghiên cứu sách đã và đang trở thành một cách học đơn giản, phổ biến, tiện ích, rẻ tiền mà hiệu quả rất lớn. Chính vì lẽ đó hơn bao giờ hết đọc sách là nhu cầu không thể thiếu của những ai muốn vươn lên làm chủ mình, làm chủ công việc, làm chủ xã hội trong cuộc cạnh tranh sống còn để khẳng định các giá trị bản thân trong một đất nước đang từng bước hòa nhập với khu vực và toàn cầu.

Có thể đây đó có người này người khác cho rằng việc đọc sách đã không còn hấp dẫn. Song không vì thế mà nói nhu cầu đọc sách ngày nay đã sụt giảm. Sự thực ngày nay nhu cầu đọc đã lớn hơn, rộng hơn, phổ biến hơn; song cũng khắt khe, chọn lọc và thiết thực hơn so với trước. Vấn đề là làm gì và làm như thế nào để sách đến được với người đọc đúng địa chỉ và ngày càng nhiều, nhanh hơn?

Hiện nay vấn đề văn hóa đọc đang có nhiều bức xúc. Đặc biệt với thế hệ trẻ đang thịnh hành xu hướng thực dụng hóa trong văn hóa đọc. Một bộ phận chỉ quan tâm tới những cuốn sách đọc để làm, để nâng cao năng lực chuyên biệt. Một bộ phận chỉ ham mê mảng sách đọc để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Mảng sách tâm lý xã hội, nhất là chính trị gần như họ ít để mắt tới. Để khắc phục thực trạng này, các nhà xuất bản cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, cơ quan hữu quan thường xuyên tổ chức tốt những buổi tiếp xúc giao lưu giữa tác giả và bạn đọc; những diễn đàn, những cuộc thi tìm hiểu về truyền thống, thi thuyết trình, trao đổi các cuốn sách mang tính định hướng lý tưởng thông qua các tổ chức đoàn thể, các trường học, các phương tiện thông tin. Những hoạt động này thực tế đã góp phần không nhỏ giúp tuổi trẻ từng bước tìm đến với mảng sách “ngại đọc” này.

Mặt khác, mảng sách tuyên truyền, giáo huấn cũng cần thay đổi cách viết sao cho phù hợp hơn với thực tế đọc hiện nay. Cuộc sống hiện đại với quỹ thời gian đang tính từng phút, người đọc rất mong có được những cuốn sách thuộc mảng này viết thật súc tích, ngắn gọn, vừa đạt tầm khái quát sâu sắc mới lạ, vừa cụ thể sinh động với những dẫn chứng thực tế nóng hổi; bớt dần đi sự khô cứng, “hàn lâm” với cách viết lạm dụng chữ nghĩa, nặng giải thích dài dòng.

Nhà xuất bản cần nâng đỡ, đặt hàng, có chế độ đặc biệt cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc. Một khi tác phẩm đã hay, lạ, xuất sắc cả về đề tài, chủ đề và tính nghệ thuật thì tất “hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng thơm sẽ lan xa. Với những tác phẩm và tác giả như vậy, nhà xuất bản cần có sự đầu tư thích đáng không chỉ bằng chế độ nhuận bút đặc biệt mà bằng cả sự phát hiện, nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ ngay khi cuốn sách bắt đầu thai nghén.

Nhà xuất bản cần tái bản những cuốn sách theo yêu cầu người đọc. Và người đọc cũng rất cần biết những cuốn sách mới có giá trị vừa được nhà xuất bản phát hành. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà xuất bản cần liên hệ chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí để cập nhật thường xuyên các thông tin giữa nhà xuất bản và người đọc. Việc VTV1 mở chuyên mục giới thiệu Mỗi ngày một cuốn sách, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra đời Tạp chí Người đọc sách với nhiều nội dung thiết thực đã đáp ứng các đòi hỏi trên. Rất mong các báo, các tạp chí khác cũng ưu tiên quan tâm đến vấn đề này. Và như vậy báo chí sẽ luôn là nhịp cầu nối người đọc với sách và người viết sách.

Mạng lưới các thư viện cơ sở cần được phát triển không ngừng. Nếu tất cả các cơ quan, đoàn thể, các trường học, các xí nghiệp, các địa bàn dân cư phường xã trên khắp mọi vùng đất nước đều có thư viện, có phòng đọc sách hoạt động bài bản, giới thiệu sách sinh động thì chắc chắn số sách thường xuyên đến được với người đọc sẽ rất lớn. Đây có lẽ là một trong những con đường dễ dàng để sách đến được với người đọc một cách phổ cập.

Nguyễn Ngọc Ký

Tin cùng chuyên mục