Về những vướng mắc liên quan đến bán nhà thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) trên địa bàn TPHCM qua phản ánh của báo SGGP (Bài “Bán nhà thuộc SHNN - Vướng đủ kiểu đăng trên Báo SGGP ngày 8-12), trao đổi với PV Báo SGGP, Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, hiện quan điểm xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc SHNN của Bộ Xây dựng hầu hết đều quy về thời điểm sử dụng nhà ở thực tế hoặc cho kế thừa của người được bố trí sử dụng. Tuy nhiên, việc quy định điều kiện, tiêu chí tính thời điểm bố trí sử dụng nhà thuộc SHNN để làm cơ sở cho việc xác định cơ chế giá bán nhà ở thuộc SHNN phải được thống nhất và minh bạch nhằm tránh xảy ra tình trạng khiếu nại, so bì hoặc xác định không đúng thời điểm gây thất thu cho ngân sách. Chính vì thế, Sở Xây dựng TP đã trình UBND TP đề xuất với Bộ Xây dựng một số nguyên tắc để xác định thời điểm bố trí nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tránh việc “cào bằng” giữa trường hợp được bố trí sử dụng và trường hợp lấn chiếm. Cụ thể, về nguyên tắc xác định thời điểm bố trí, Sở Xây dựng đề xuất được tính từ khi cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan, đơn vị tự quản ban hành văn bản bố trí, cho thuê sử dụng nhà ở hoặc tính từ thời điểm hộ gia đình sử dụng thực tế căn nhà đó nhưng có ký hợp đồng thuê nhà và đóng tiền thuê từ thời điểm sử dụng nhà.
Riêng về tiêu chí xác định thời điểm bố trí, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị 5 trường hợp mà thực tế TPHCM đang gặp vướng mắc. Cụ thể: Đối với trường hợp nhà có văn bản bố trí sử dụng thì xác định thời điểm bố trí là từ khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản bố trí, cho thuê nhà; đối với hộ sử dụng thuộc diện lưu cư, lưu thuê sử dụng nhà trước khi Nhà nước có văn bản quản lý thì tính từ ngày sử dụng thực tế căn nhà đó; đối với nhà không có văn bản bố trí sử dụng nhưng đã sử dụng nhà trước khi Nhà nước có văn bản quản lý thì tính từ ngày sử dụng thực tế, được thể hiện qua hộ khẩu, bản kê khai nhà đất với chính quyền địa phương; đối với nhà chiếm dụng mà có ký hợp đồng thuê nhà và Nhà nước có truy thu tiền từ thời điểm sử dụng thì được tính từ thời điểm nhà sử dụng thực tế thông qua biên bản kiểm tra hiện trạng, hộ khẩu, biên bản kê khai nhà đất hoặc hợp đồng thuê nhà. Còn đối với trường hợp có ký hợp đồng nhưng không bị truy thu tiền thuê nhà tại thời điểm sử dụng thì được tính từ ngày ký hợp đồng thuê nhà; đối với trường hợp nhà ở chuyển quyền sang thuê; nhà chiếm dụng có ký hợp đồng thuê nhà sau đó chuyển quyền sang thuê cho người khác thì được tính từ ngày ký hợp đồng thuê nhà của người chiếm dụng đã ký. Còn nhà chiếm dụng mà chưa ký hợp đồng thuê và chuyển quyền sang thuê cho người khác thì tính từ ngày người nhận sang nhượng thực tế sử dụng nhà. Trường hợp người sử dụng có văn bản bố trí nhà sau đó sang nhượng thì tính tại thời điểm cơ quan Nhà nước ban hành văn bản bố trí sử dụng căn nhà đó.
Liên quan đến thẩm quyền ban hành các tiêu chí xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà, Sở Tư pháp TP cho rằng, Điều 37 NĐ 43/2014 Chính phủ không quy định thẩm quyền của UBND tỉnh trong việc hướng dẫn xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà thuộc SHNN. Tuy nhiên, Thông tư 14/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện NĐ 43 có quy định “Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”. Theo đó, UBND TP cũng đã tổng hợp ý kiến của Sở Xây dựng và Sở Tư pháp TP để xin ý kiến của Bộ Xây dựng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc bán nhà thuộc SHNN trên địa bàn TP và hiện đang chờ Bộ Xây dựng phản hồi.
MINH HUY