Sự phát triển của các thành phố cực lớn thường đi đôi với “khủng hoảng sinh thái đô thị”, đó là một “căn bệnh” đô thị liên quan chặt chẽ đến môi trường và làm cuộc sống con người có nguy cơ suy giảm. TPHCM cũng không phải ngoại lệ…
Căn bệnh đô thị
Ở các thành phố đang phát triển, dường như môi trường xây dựng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài, còn dân cư, nước, không khí… là yếu tố nổi bật của môi trường tự nhiên chịu tác động của đô thị hóa và đây là hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đô thị hóa tất yếu dẫn tới tăng dân số, tăng mật độ trong không gian đô thị và ô nhiễm công nghiệp, dẫn đến hủy hoại tài nguyên thiên nhiên nước và không khí theo hướng ngày càng gia tăng. Đô thị hóa còn dẫn đến phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp. Cái nghèo nằm trong bản chất của những thành phố. Chỗ ở tạm bợ, lụp xụp, rách nát đều ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường.
Đô thị hóa ngày càng gia tăng, tất yếu gây ra khủng hoảng sinh thái. Vì vậy, phát triển bền vững có mục tiêu là làm giảm được khủng hoảng này. Phát triển bền vững còn có nghĩa là thỏa mãn nhu cầu của dân số hiện tại mà không gây phương hại đến khả năng tự thỏa mãn của thế hệ tương lai. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải xác định rõ ràng là phát triển bền vững bao gồm 3 chiều không tách rời nhau, đó là: kinh tế, xã hội và môi trường.
Vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội ở nước ta hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững, sự tồn tại và phát triển của thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm chủ yếu là các hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, từ các làng nghề và sinh hoạt ở các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường gồm 3 loại chính: ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất.
Nhà ven kênh rạch xả trực tiếp nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM theo quy hoạch đến năm 2025 sẽ có 10 triệu dân và trở thành thành phố cực lớn (siêu thành phố) thì cũng không phải là ngoại lệ. Do hậu quả của chiến tranh trước đây và quá trình đô thị hóa nhanh ngày nay, TPHCM đã phát sinh nhiều vấn đề môi trường nhức nhối như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất... nên rất cần có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khủng hoảng sinh thái, hướng đến thành phố phát triển bền vững. Đối với ô nhiễm nước ở hệ thống kênh rạch thành phố đang rất nặng nề. Nước thải và nước mưa đều chảy chung vào đường cống và đổ ra kênh rạch, cuối cùng ra sông Sài Gòn. Nguồn thải gây ô nhiễm các tuyến kênh này chính là nước thải sinh hoạt từ 20.000 căn hộ tạm bợ, lụp xụp ven kênh rạch, cộng với nước thải sản xuất từ các cơ sở sản xuất chưa có công trình xử lý nước thải trong lưu vực kênh (khoảng 155.000m3). Kết quả giám sát cho thấy, chất lượng nước ở kênh rạch bị ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh. Trong khi đó, theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, trong tổng số 70km chiều dài kênh rạch nội thành, có đến 60% - 70% kênh rạch bị ô nhiễm. Với thực trạng này, vấn đề đặt ra trước mắt là cần nạo vét triệt để các kênh rạch, vì đây cũng là kênh thoát nước để giảm tình trạng ô nhiễm mùi hôi và ngập nước. Dự kiến đến năm 2020, TPHCM sẽ giải quyết xong 20.000 căn hộ lụp xụp, tạm bợ trên và ven kênh rạch, đồng thời xây dựng các công trình xử lý nước thải cho các lưu vực (hiện mới có 2/12 trạm xử lý nước thải lưu vực được đầu tư) và cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm nước cho các kênh rạch.
Đối với vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt thì thượng lưu sông Sài Gòn và Đồng Nai đang bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng do nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở công nghiệp đều khá cao nên ảnh hưởng đến chất lượng nước ở thượng nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai. Riêng về nước rửa trôi từ sản xuất nông nghiệp, rất may chỉ có một lượng rất nhỏ hóa chất bảo vệ thực vật nên không ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đối với vấn đề này, TPHCM cần phối hợp với các tỉnh trong khu vực để bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước và giảm lưu lượng khai thác. Cải thiện chất lượng nước mặt tại khu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai (kiểm soát ô nhiễm, hạn chế thải các chất thải vào nguồn nước, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn). Phải tính đến khả năng nhiễm mặn nguồn nước khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Giảm các loại ô nhiễm
Ngoài ra, vấn đề lo ngại khác nữa là ô nhiễm không khí. Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường thì chỉ số độc hại CO, tiếng ồn và bụi trong không khí đang ở mức báo động. Khoảng 90% mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức có hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, lượng khí bụi lơ lửng sinh ra từ khói bụi đang là nhân tố gây nguy hại hàng đầu. Thời gian vừa qua, TPHCM thường xuyên đối diện với lượng sương mù dày đặc bao phủ đến tận trưa và người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ xe cá nhân (6,8 triệu xe máy, khoảng 640.000 ôtô) và tiếp đó là khí thải của các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Cụ thể, hoạt động của doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trung bình mỗi ngày thải ra môi trường 32 tấn bụi, 478 tấn SO2 và 27 tấn NO2. Chưa kể hơn 50% trong tổng số 830 nguồn thải từ các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất và khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý khí thải. Do vậy, TP cần tăng phương tiện vận tải công cộng và giảm bớt lượng xe cá nhân, kiểm tra tiêu chuẩn khí thải của phương tiện tham gia lưu thông, triển khai hệ thống xử lý khí thải cho 50% xí nghiệp còn lại, hướng đến “thành phố carbon thấp”.
Đối với ô nhiễm tiếng ồn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 3 thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người, nhất là tại nhiều thành phố của các nước đang phát triển. Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, thường bị nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress. Khi tiếng ồn vượt mức 130dB thì gây cảm giác khó chịu và đau tai. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn đối với khu vực thông thường như khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính thì từ 6 - 21 giờ là 70dB, từ 21 - 6 giờ sáng hôm sau là 55 dB, thế nhưng trong thực tế chúng ta phải sống với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên, từ trong nhà ra ngoài phố, nhất là tại các địa điểm công cộng. TPHCM cũng không ngoại lệ nên cần giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm tra tiêu chuẩn tiếng ồn ở các nhà máy và các cơ sở vui chơi giải trí.
Không chỉ vậy, đất ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng nề do ngấm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu. Tình trạng ô nhiễm này được giới khoa học xác định là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người. Những chất gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí cuối cùng lại đổ về đất và tồn tại dưới dạng tích tụ trong đất. Tuy nhiên, ở nước ta dường như ô nhiễm đất là câu chuyện vẫn còn rất mới và chưa được quan tâm nếu không thấy được những tác hại của nó. Các biện pháp để khắc phục ô nhiễm đất ở TPHCM có thể là: khống chế các loại chất thải rắn, lỏng, khí; chống ô nhiễm nguồn nước và loại bỏ chất độc để diệt sâu bệnh, giảm sử dụng phân khoáng...
Giảm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất sẽ làm cho thành phố từng bước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng sinh thái, hướng đến “môi trường lành mạnh” có nước sạch, không khí sạch, đất sạch và “TP có chất lượng sống tốt” để phát triển bền vững.
Đối với ô nhiễm mùi hôi, hiện nay bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và hàng trăm tấn bùn thải cống và bùn hầm cầu, đã gây ra ô nhiễm môi trường và phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, nhất là cư dân khu vực các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 7. Do vậy, trước tiên cần tăng cường phun xịt chế phẩm khử mùi, xử lý nước rỉ rác và tránh nguy cơ chảy tràn, xử lý trường hợp xe chở rác để rơi vãi chất thải trên đường. Về lâu dài phải cải tiến công nghệ xử lý rác, hạn chế việc chôn lấp rác, nhanh chóng trồng cây xanh cách ly, thay đổi phương thức vận chuyển. Mặc khác, cần phân loại rác tại nguồn và triển khai các hướng tái chế rác như: công nghệ sinh học sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ, công nghệ đốt kết hợp tái sinh năng lượng điện, nhiệt/hơi nước và tái chế thành các loại nguyên liệu như plastic chất lượng cao, kim loại đen và kim loại màu. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ môi trường xanh thuộc tỉnh Long An.
NGUYỄN ĐĂNG SƠN
(Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)