Để truyện tranh là một giáo cụ tốt

Để truyện tranh là một giáo cụ tốt

Không ít bậc phụ huynh có tâm lý lo ngại, gần như  ác cảm với truyện tranh dẫn đến việc cấm đoán con em mình một cách cực đoan. Trên thực tế, truyện tranh có nội dung lành mạnh vẫn có thể giúp các teen vừa được giải trí, vừa có tác dụng giáo dục. Vấn đề là việc đọc truyện tranh của các em được gia đình, nhà xuất bản quan tâm, hướng dẫn, bảo vệ như thế nào.

Để truyện tranh là một giáo cụ tốt ảnh 1
Các em tuổi teen rất thích đọc truyện tranh. Ảnh: MAI HẢI

Tại một quầy bán sách nhỏ bày bán nhiều truyện tranh gần Trường THCS Trưng Vương (Q. Hoàn Kiếm) vào giờ tan tầm, có rất đông học sinh vây quanh để hỏi mua cho bằng được cuốn truyện tranh mới nhất. Hoàng Ngọc Anh, lớp 6 cho biết, em đã để dành tiền ăn sáng cả tuần nay để chờ mua tập truyện mới mà em rất thích này.

Truyện tranh, đặc biệt là truyện tranh hiện đại Nhật Bản xuất hiện ồ ạt ở nước ta trong vòng hơn chục năm nay. Những Đôrêmon, Conan, Nhóc Maruko, Bảy viên ngọc rồng, Subasa… đã song hành với nhiều lớp học trò. Truyện tranh xuất hiện ngày càng nhiều. Trước “rừng” truyện tranh, nhiều teen không biết chọn cuốn nào mà đọc theo gợi ý của người bán hàng, của bạn bè, hoặc chỉ nhìn vào hình vẽ ở bìa  trông bắt mắt thì mua.

Trước trào lưu đọc truyện tranh của thiếu nhi, nhiều người lao vào làm truyện tranh. Hiện nay, có rất nhiều cuốn truyện tranh không rõ xuất xứ, không bản quyền trôi nổi trên thị trường. Đáng lo ngại nhất là những bộ truyện tranh mới về tâm lý tình cảm tuổi teen rất ủy mị, ướt át, không thiếu các pha tình cảm gay cấn và các cảnh ôm hôn nóng bỏng, như cuốn Lovers (Người yêu), Người tôi yêu, Kiss.… Hoặc là những cuốn quá bạo lực, đánh nhau một cách phi nghĩa chỉ để thấy máu chảy đầu rơi.

Thúy Mai, sinh viên trường ĐH KHXH - NV cho biết: “Những lúc rỗi, mình thường ghé quán cho thuê truyện để thuê vài cuốn truyện tranh về đọc cho vui. Ở đó, mình thấy các em đến thuê sách khá đông, cũng không ít em tìm thuê những cuốn tình cảm nam nữ tuổi teen. Điều đó cũng bình thường, có điều những hình ảnh trên bìa và trong sách toàn những cặp đôi sát rạt, khêu gợi quá!”

Thấy thế, lại không có thời gian tìm hiểu kĩ, các bậc phụ huynh cấm tiệt không cho con mình đọc truyện tranh, dù có không ít những cuốn truyện tranh vừa ngộ nghĩnh, vui tươi, vừa mang đến cho các em sự bay bổng, những suy tư rất trẻ thơ mà cũng rất nhân văn. Cũng không thiếu những cuốn viết về tâm lý tình cảm tuổi teen trong sáng mà tinh tế, xúc động với nét vẽ điêu luyện, lung linh.

Bên cạnh đó, việc các teen ham đọc truyện tranh mà xao lãng việc học hành cũng khiến họ lo ngại. Chị Nguyễn Thu Vân, quận Cầu Giấy cho biết: “Tôi không cho con mình đọc truyện tranh vì cháu bỏ bê việc làm bài tập về nhà. Giá mà nó mê học như  mê truyện tranh”.

Theo ý kiến của một chuyên gia sản xuất truyện tranh thì “truyện tranh có thể là một giáo cụ tốt”, giúp học sinh tiếp thu các bài học một cách dễ dàng hơn. Thực tế ở các nước khác cho thấy, những truyện thần thoại Hy Lạp đã quá quen thuộc cũng như các vở kịch kinh điển của Sêchxpia khi chuyển thể thành truyện tranh đã bán rất chạy. Đó là điều mà ngành sản xuất truyện tranh trong nước cần phải học tập để đem đến cho các bạn đọc nhỏ tuổi những cuốn truyện tranh hấp dẫn hơn nữa về lịch sử, văn hóa dân tộc. Chắc chắn rằng, việc các em say mê bên những trang truyện tranh vui, đẹp sẽ bổ ích hơn rất nhiều việc các em lang thang vật vờ ở những quán net hay nhưng trò vô bổ khác.

HÒA BÌNH

Tin cùng chuyên mục