Bên cạnh việc sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, TPHCM cũng tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên (tái tạo và không tái tạo) và năng lượng (16.086 triệu kWh điện và 4 triệu tấn nhiên liệu trong năm 2010), thải vào môi trường một khối lượng tương ứng (hơn 2 triệu tấn/ngày) các loại chất thải (lỏng, khí và rắn). Bao gồm cả chất thải không nguy hại và chất thải nguy hại, chất thải có thể tái chế và chất thải chưa có khả năng tái chế, kể cả một lượng lớn các chất gây “hiệu ứng nhà kính”, bao gồm CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Chất lượng môi trường và cuộc sống đang giảm sút do sự phát triển thiếu bền vững (sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng không hiệu quả) và do các loại chất thải này.
Các thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường, do quá trình phát triển kinh tế và xã hội mang lại trong nhiều năm qua, có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn do nạn ô nhiễm môi trường. Không những thế, nguồn tài chính do nhiều năm phát triển kinh tế mang lại sợ rằng không đủ để phục hồi các tổn hại về sức khỏe cho người dân, khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường và suy thoái đa dạng sinh học,… đặc biệt là mất đi lợi thế cạnh tranh về đầu tư kinh tế (trong và ngoài nước). Nền kinh tế của TPHCM vẫn là nền kinh tế có lượng phát thải cacbon và tiêu thụ năng lượng cao (2-5 lần/sản phẩm so với các nước khác).
Đây là “thách thức nhưng cũng là cơ hội” để TPHCM xây dựng và hoàn thiện một chương trình quản lý đô thị mới theo hướng tích hợp (integrated) và bền vững (sustainable), sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, ứng phó một cách chủ động với hiện tượng biến đổi khí hậu. Việc phối hợp thực hiện một cách đồng bộ chương trình quản lý đô thị này, trong đó xác định hợp lý các lĩnh vực và khu vực nhạy cảm có khả năng bị ảnh hưởng do hiện tượng biến đổi khí hậu, sẽ làm cho TPHCM phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, giảm thiểu và góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngày càng thích nghi với hiện tượng này, bảo vệ các thành quả do phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua mang lại, xứng đáng là đầu tàu của vùng, khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng đây là công việc hết sức khó khăn do tính mới của nó và do khả năng thích ứng với các vấn đề mới của hệ thống quản lý đô thị (cơ cấu tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất hỗ trợ), của cả thế giới chứ không riêng TPHCM.
Hiện nay, về cơ bản chưa có các tiêu chuẩn cụ thể cho từng tiêu chí để xác định lĩnh vực và khu vực nhạy cảm đối với biến đổi khí hậu. Các tiêu chuẩn này cần có các con số định lượng để xác định thứ tự ưu tiên và thực hiện các chương trình/kế hoạch đầu tư nhằm giảm thiểu và thích ứng với các tác động có hại, sử dụng các tác động có lợi. Thế nhưng, nhiều chuyên gia trên thế giới đang cho rằng, ở lĩnh vực nào, ở khu vực nào có cơ sở hạ tầng (cấp nước, thoát nước, giao thông, năng lượng, dịch vụ công, y tế, …) yếu kém nhất và nghèo nhất sẽ là lĩnh vực, khu vực nhạy cảm nhất và bị ảnh hưởng (xấu)/tổn thương lớn nhất do hiện tượng biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thể nghiên cứu những quan điểm này đồng thời xây dựng cho mình một bộ tiêu chí riêng với tinh thần, ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ NGUYỄN TRUNG VIỆT