Tại cuộc gặp mặt đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 2018 trở về, sau khi giao nhiệm vụ cho Bộ VH-TT-DL có biện pháp duy trì thành tích đã đạt được, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ cho những người đã và đang cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu mà người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở cơ quan quản lý về khía cạnh này trong quá trình phát triển thể thao thành tích cao. Bởi đặc thù của thể thao Việt Nam đó là phần lớn các VĐV, HLV đều ở chế độ chuyên nghiệp, tức là không còn công việc nào khác ngoài huấn luyện, thi đấu thế nhưng các chính sách về lương, chế độ thì phải thực hiện theo tiêu chuẩn ngân sách chung. Trong khi đó, các VĐV thường không thể sử dụng chuyên môn của mình để làm một công việc khác kiếm thêm thu nhập, dù có thời gian rảnh. Sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao, họ vẫn phải đi học lại mới có bằng cấp để làm việc như bao người khác, kể cả là tiếp tục theo nghề làm HLV.
Trong một nền thể thao chưa chuyên nghiệp hoàn toàn, thu nhập cộng thêm của VĐV không thể trông chờ vào việc có thành tích trong thi đấu như thể thao nhà nghề, mà phải dựa vào các đóng góp của xã hội. Tuy nhiên, các nguồn tài chính thông qua tài trợ, quảng cáo thì khá hạn chế, lại bấp bênh bởi tính chất “có đi, có lại” của hoạt động này. Thế nên, đa số các VĐV vẫn phải nuôi sống mình và gia đình bằng cách tiết kiệm các khoản chi phí tập luyện, còn khi bị chấn thương nặng thì chỉ còn đợi lòng hảo tâm của cộng đồng.
Trước đây, cũng có nhiều quỹ đầu tư cho thể thao được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Những người làm thể thao vui mừng vì đó rõ ràng là một hướng đi triển vọng giúp các VĐV yên tâm hơn khi cống hiến cho quốc gia. Tuy nhiên, theo thời gian, không còn thấy ai nhắc đến những quỹ đầu tư đó nữa, chỉ thi thoảng khi đến các lần tham dự SEA Games hay Asiad thì thể thao Việt Nam mới có các nguồn tiền hỗ trợ. Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ còn một quỹ đầu tư thể thao hoạt động đúng nghĩa là Quỹ phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn VinGroup thông qua đào tạo trực tiếp cầu thủ trẻ.
Như đã nói, do đặc thù của thể thao Việt Nam là tập luyện nhiều, thi đấu ít nên rất cần có những quỹ đầu tư hoạt động theo tính chất “thiện nguyện” mới có thể duy trì lâu dài và tạo được nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ cho VĐV. Mà để có được các quỹ “cho nhiều hơn nhận” như thế, vai trò của các cơ quan quản lý mang tính then chốt. Đấy là nơi bảo đảm uy tín và tính minh bạch của các quỹ. Đấy cũng là nơi thúc đẩy phát triển “xã hội hóa” thông qua các liên đoàn thể thao với sự tham gia của các nguồn lực xã hội. Rất tiếc, người ta chỉ thấy sự chủ động của cơ quan quản lý mỗi khi có sự kiện thi đấu, hoặc các lễ báo công chứ vai trò trong chăm lo đời sống VĐV thì lại khá mờ nhạt. Thậm chí, có nhiều liên đoàn thể thao đang “sống dở chết dở” chỉ vì sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm cả việc cử cán bộ sang để “cải thiện thu nhập”.
Lấy ví dụ từ giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức để thấy ý nghĩa của các nguồn lực xã hội là như thế nào. Giải thưởng do một cơ quan truyền thông tổ chức, tự thân vận động về tài chính, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn mang tính khách quan của nền bóng đá để duy trì suốt 24 năm qua nhưng các nhà tổ chức vẫn cố gắng để có các khoản tiền thưởng lớn dành cho các cầu thủ mặc dù đó không phải là yếu tố bắt buộc của những giải thưởng mang tính chất chuyên môn. Với nhiều cầu thủ ở môn bóng đá nữ hay futsal, giải thưởng hiện kim ấy không hề nhỏ bên cạnh niềm vui được tôn vinh. Nếu thể thao Việt Nam có nhiều giải thưởng, ở nhiều môn khác nhau, nhiều đơn vị xã hội tham gia hơn thì bức tranh về đời sống VĐV có thể sẽ khác.
Không có sự cống hiến nào bị lãng quên. Xã hội luôn sẵn lòng ghi nhận những cống hiến của các VĐV, HLV. Tuy nhiên, để có được nhiều hơn những sự ghi nhận ấy thì chính những người làm thể thao cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng các hành động có tính sáng tạo, có tâm huyết thật sự để kiên trì kết nối những đóng góp của xã hội đến với ngành, nghề của mình.