Đề xuất bổ sung chỉ tiêu tiêm chủng vaccine vào danh mục thống kê quốc gia

Cho ý kiến tại phiên họp, Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Kế hoạch và Đầu tư của Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu “tiêm chủng vaccine cho nhân dân” vào nhóm chỉ tiêu "Y tế và chăm sóc sức khỏe".
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Ngày 7-9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quang Phương cho biết, trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung là thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Các nội dung khác quy định tại luật hiện hành và đối tượng áp dụng vẫn giữ nguyên.

Theo đó, dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê gồm 20 nhóm, với 215 chỉ tiêu.

Cho ý kiến tại phiên họp, Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Kế hoạch và Đầu tư của Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu “tiêm chủng vaccine cho nhân dân” vào nhóm chỉ tiêu "Y tế và chăm sóc sức khỏe", vì theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã giao nhiệm vụ Chính phủ “Tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022”.

Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vì đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong một giai đoạn dài (đến năm 2030) nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, các ý kiến hiện vẫn còn chưa thống nhất về việc cần thiết sửa toàn diện hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều hay chỉ sửa Danh mục - Phụ lục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp ngay tại kỳ họp thứ 2 tới. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tổng thể toàn diện 5 năm thực hiện Luật Thống kê số 89/2015/QH13 để xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa toàn diện.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị Chính phủ rút dự án Luật này, không xem xét, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, mà tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện, nhiều mặt trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa toàn diện trong thời gian thích hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế tập trung thảo luận, thống nhất phương án hợp lý nhất, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới. “Nếu sửa Luật thì cần bảo đảm địa vị pháp lý, vai trò của công tác thống kê trong nền kinh tế quốc dân hội nhập quốc tế hiện nay. Sửa tạm thời thì phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi và việc giải thích phải dựa theo Luật chứ không phải bằng danh mục”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục