Đề xuất cắt, giảm trợ giá với xe buýt nhỏ nên cân nhắc

Đề xuất cắt, giảm trợ giá với xe buýt nhỏ nên cân nhắc

Trong những năm qua, bên cạnh loại hình xe buýt lớn, xe buýt nhỏ đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM, nhất là ở những tuyến đường hẹp. Tuy nhiên, trong những ngày qua, nhiều hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt tỏ ra lo ngại khi mới đây Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM đưa ra đề xuất sẽ cắt, giảm và ngưng trợ giá đối với loại xe buýt này.

Xe buýt nhỏ đã góp phần đáng kể trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM.

Xe buýt nhỏ đã góp phần đáng kể trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM.

Đại diện nhiều HTX cho biết, tại cuộc họp với đại diện các HTX xe buýt mới đây, trung tâm đã đưa ra mức đề xuất cắt giảm trợ giá thấp nhất là 40,1%, cao nhất lên tới 77,47% so với mức trợ giá hiện tại đối với 17 tuyến xe buýt nhỏ; ngưng không trợ giá đối với tuyến xe buýt Bến xe Miền Tây-KCN Lê Minh Xuân và cắt đối với 2 tuyến từ Bến xe Chợ Lớn đi sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực Bình Hưng Hòa.

Lý do được trung tâm đưa ra là do hệ thống xe buýt nhỏ hoạt động kém hiệu quả, khó kiểm soát. Ngoài ra, việc cắt giảm trợ giá xe buýt nhỏ còn nhằm giảm tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt hàng năm đối với ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Mạnh, Chủ nhiệm HTX vận tải 14, bức xúc: “Không phải lúc này mà cách đây mấy năm Sở GTVT đặt vấn đề xe buýt 12 chỗ không hiệu quả. Vấn đề hiệu quả ở đây được hiểu là về mặt kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ kinh tế mà không đề cập đến yếu tố lợi ích xã hội là không công bằng và chưa khách quan”.

Còn ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ nhiệm HTX vận tải Bà Chiểu - Chợ Lớn, đặt vấn đề: “Hiện nay tại TPHCM, đường sá đa phần nhỏ hẹp, xe lớn không thể hoạt động để vận chuyển khách ở các tuyến đường nhỏ được. Do đó, hệ thống xe buýt nhỏ đóng vai trò rất lớn trong việc vận chuyển hành khách từ các tuyến đường xương cá, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại bằng xe buýt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tuyến buýt nhỏ đều có cự ly ngắn, từ 8 - 19,6km. Một xe buýt được hỗ trợ từ 26.113 đồng đến 82.352 đồng/chuyến. Về mặt hiệu quả, trong khi lượng khách đi xe buýt lớn giảm thì khối lượng vận chuyển hành khách trên các tuyến buýt 12 chỗ có trợ giá này tăng liên tục, đạt bình quân 0,8 - 1,4 hành khách/km.

Ông Nguyễn Chí Mạnh, Chủ nhiệm HTX vận tải 14, cho biết: Với mức trợ giá hiện nay, anh em xã viên đã gặp rất nhiều khó khăn. Để tồn tại, anh em xã viên đã phải lấy công làm lời, tiết kiệm các khoản chi phí nội bộ để trang trải. Do đó, nếu sắp tới trung tâm và Sở GTVT quyết định đề xuất cắt, giảm tiền trợ giá loại xe này xuống thấp hơn nữa, chắc chắn xã viên sẽ trả lại tuyến cho Nhà nước chứ tiếp tục hoạt động sẽ không sống nổi.

Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TPHCM, cho biết: Hiện nay trung tâm chỉ mới họp với các doanh nghiệp, HTX đưa ra đề xuất để lấy ý kiến về mức cắt giảm. Sau đó mới tổng hợp và cân đối mức điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình kinh tế - ngân sách của Nhà nước, cũng như bảo đảm quyền lợi hoạt động của các doanh nghiệp, HTX.

Với thực tế các chuyến xe buýt lớn ít khi đầy khách và là nguyên nhân gây kẹt xe nên việc phát triển mạng lưới xe buýt nhỏ để tránh lãng phí, giảm kẹt xe và phủ kín các tuyến đường hẹp không có xe buýt lớn là cần thiết. Do đó, để dung hòa lợi ích kinh tế của Nhà nước và doanh nghiệp, trước khi quyết định cắt, giảm trợ giá đối với loại xe buýt nhỏ, các cơ quan chức năng cần tính toán sao cho phù hợp, cũng như có những giải pháp tăng tính hiệu quả kinh tế trong loại hình hoạt động xe buýt này như giảm chuyến với những tuyến ít khách, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông…

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục