Ngày 15-12, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Văn Võ, Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TPHCM dẫn Kịch bản khí hậu biến đổi và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng Sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập với 7% dân số TPHCM bị ảnh hưởng.
Biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Tuy nhiên, các quy định về thích ứng khí hậu biến đổi của Việt Nam còn tản mạn, thiếu tính hệ thống, nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…. Các quy định còn chung chung, sơ sài, thiếu cụ thể và chưa được thi hành trên thực tế.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Dưới góc độ pháp lý, TS. Phạm Văn Võ đề nghị cần xây dựng ban hành Luật Ứng phó biến đổi khí hậu bởi biến đổi khí hậu là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp.
Theo TS. Phạm Văn Võ, một đạo luật sẽ góp phần khắc phục tình trạng tản mạn, mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật do nhiều cấp, nhiều ngành ban hành. Đồng thời, quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật môi trường, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đề cập đến pháp luật môi trường với vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Nguyễn Văn Phương, để có thể phát triển kinh tế tuần hoàn thì yếu tố khoa học, kỹ thuật là không thể thiếu. Đồng thời, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền, phổ biến các mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thực tế nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Thị Thúy Hương, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo đã nhận được 31 tham luận toàn văn từ các tác giả là những nhà nghiên cứu, những người làm công tác thực tiễn và quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu đến từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường), các Sở Tài nguyên - Môi trường, các viện, trung tâm và các trường đại học trong cả nước. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi về kinh nghiệm quốc tế và chính sách, pháp luật Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu; trao đổi các chủ đề cụ thể như: thị trường carbon, thuế carbon, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, chính sách tài chính, dịch vụ môi trường rừng, điện mặt trời… |