Đề xuất mở rộng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

UBND TPHCM vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf.
Bãi biển Cần Giờ, TPHCM Ảnh: Phan Lê
Bãi biển Cần Giờ, TPHCM Ảnh: Phan Lê

Tăng gần gấp 5 lần

UBND TP cho biết, tháng 9-2018, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (còn gọi là Saigon Sunbay) với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ). Theo UBND TPHCM, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư (CĐT) dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đề nghị mở rộng dự án từ quy mô 600ha lên 2.870ha (tăng gần gấp 5 lần diện tích trước đó), CĐT đã được giao diện tích quy hoạch 600ha từ trước và đã bắt đầu khởi động dự án từ năm 2007. Hiện nay, trong 2.270ha quy hoạch mở rộng theo đề xuất có hơn 1.208ha đang được các hộ dân sản xuất nghêu và khai thác hải sản tự nhiên.

Địa điểm thực hiện dự án được đề xuất thêm là một phần địa giới hành chính xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Dự án gồm 2 hạng mục lớn. Thứ nhất là các khu chức năng với các nhóm nhà ở, công trình dịch vụ đô thị, cây xanh sử dụng công cộng, đất giao thông có tổng diện tích hơn 750ha. Thứ hai là các khu chức năng ngoài đơn vị ở gồm các công trình dịch vụ cấp đô thị, cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị, giao thông cấp đô thị, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị và đất an ninh quốc phòng với tổng diện tích gần 2.120ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 217.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư là hơn 32.588 tỷ đồng (tương đương 15%). Tiến độ thực hiện dự án dự kiến giai đoạn 1 từ năm 2019-2022, giai đoạn 2 từ năm 2022-2027 và giai đoạn 3 từ năm 2027-2030 (tổng cộng thời gian hoàn thành khoảng 11 năm). Do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ. 
 
Hiện trên phần đất dự kiến triển khai dự án, vào năm 2007, Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép cho Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ được phép thi công hệ thống công trình lấn biển và hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Sau khi được cấp phép, hiện công ty đã san lấp được 15,5ha thuộc dự án lấn biển 600ha. 

Đảm bảo quyền lợi người dân

Theo báo cáo của CĐT, khu vực lấn biển Cần Giờ 2.870ha như đề xuất không có cư dân sinh sống, chỉ có các cơ sở kinh tế của người dân. Dự kiến có 767 hộ (1.696 nhân khẩu) đang nuôi nghêu, đánh bắt trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh; 232 phương tiện (856 nhân khẩu) khai thác đánh bắt hải sản ven bờ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đối với phần diện tích mở rộng, công ty đã đàm phán, thỏa thuận về việc hỗ trợ với các hộ dân bị mất diện tích canh tác gồm 79 tổ nuôi nghêu với 1.567,5ha. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho các tổ hợp tác nuôi nghêu bị ảnh hưởng này là khoảng 123,5 tỷ đồng. CĐT đã hoàn thành giai đoạn 1 việc chi trả kinh phí và có được với diện tích trên 908ha. Giai đoạn 2 đang thực hiện với tổng diện tích được hỗ trợ dự kiến trên 1.577ha (đã thỏa thuận xong với hộ dân và bàn giao mặt bằng được khoảng 1.497ha). Theo hồ sơ, dự án trên gồm các hạng mục: Đất ở gồm nhóm nhà ở, công trình dịch vụ đô thị cấp đơn vị ở, cây xanh công cộng cấp đơn vị ở có quy mô hơn 750ha (khoảng 26,1%); còn lại trên 2.119ha là đất cho các công trình dịch vụ cấp đô thị, cây xanh, công trình đấu nối hạ tầng kỹ thuật và đất an ninh quốc phòng… Đặc biệt, CĐT cũng cam kết dự án sẽ ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho học nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân nhằm giải quyết tình trạng việc làm cũng như đảm bảo quyền lợi cho cư dân địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống.

UBND TPHCM cho rằng, dự án lấn biển trên phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố 5 năm (2016-2020). Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cam kết, khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ triển khai việc hỗ trợ, giải tỏa cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định.

Từ năm 2000, UBND TPHCM đã giao dự án hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện, CĐT trực tiếp là Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, nhưng do không đủ tiềm lực tài chính nên dự án đình trệ. Đến tháng 6-2015, TP đồng ý cho Vingroup góp vốn điều lệ, tăng thêm CĐT để tiếp tục thực hiện dự án. Sau đó, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 32.561 tỷ đồng. Hơn thế, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội cũng cam kết cấp tín dụng dự án, cho vay tối đa là 182.513 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục