Ngày 16-12, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Giải pháp chống ngập triều, xâm nhập mặn và ngập lũ”, các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi đã đưa ra nhiều khuyến cáo và giải pháp.
Cần sự phối hợp chung
Nguyên nhân ngập úng trên địa bàn thành phố như sau: ngập do mưa, ngập triều, ngập lũ và ngập do vài nguyên nhân khác. Nhiều chuyên gia về thủy lợi cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, TPHCM đã thành lập Ban Điều phối chống ngập TPHCM. Chỉ sau một thời gian hoạt động, Ban Điều phối chống ngập TPHCM đã nhận ra một điều là do chưa nắm bắt hết, hoặc hiểu chưa đầy đủ thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu khác nên đã phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Trước tình hình này, Ban Điều phối chống ngập TPHCM đã mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuyết trình, tổ chức trao đổi theo từng nhóm chuyên đề giữa các chuyên gia. Theo Th.S Nguyễn Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguyên nhân khách quan, đất có cao độ thấp, bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Đặc biệt, do việc xả lũ ở các công trình thượng lưu khi gặp triều cường cùng lúc mưa trong nội vùng gây ngập lớn trên diện rộng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do khai thác nước ngầm quá mức, đô thị hóa nhanh khiến bề mặt thành phố sụp lún, cống tiêu, kênh thoát nước xây dựng đã lâu, xuống cấp; người dân lấn chiếm cống dẫn thoát nước xả khiến cống tắc nghẽn. Trên hết là việc quản lý chưa tốt, quy hoạch chưa đúng tầm. Những nguyên nhân này khó giải quyết ngày một, ngày hai khiến công tác chống ngập, triều cường khó khăn.
Bên cạnh đó, giải pháp về vốn, kế hoạch thi công, áp dụng khoa học kỹ thuật và quan trọng là đặt vấn đề đúng tầm quan trọng để giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể.
Tính kỹ trước khi xây
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cùng các chuyên gia thống nhất với nhau trong cách giải quyết vấn đề ngập lụt do triều cường, nước lũ. Theo đó, giải pháp mà Bộ NN-PTNT đưa ra là xây dựng công trình cống kiểm soát đỉnh triều ở các sông rạch cấp 3 - cửa nối ra các sông chính (vòng giữa 2) và giai đoạn đầu xây dựng hạng mục công trình tại cống kiểm soát triều Rạch Tra, cống kiểm soát triều Vàm Thuật, cống kiểm soát triều Phú Xuân... Thực hiện công trình hạn chế đỉnh triều tại hạ lưu sông Đồng Nai và trên sông Lương Tài; xây dựng công trình phân bớt lũ ở thượng nguồn. Phương án này sẽ giải quyết được úng do mưa và ngập do triều cao, mưa và lũ trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về.
PGS-TS Phan Trí Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng hiện nay trong khi dự án Quy hoạch chống ngập cho TPHCM đang thi công dang dở được 1, 2 cống lớn trong 12 cống thì lại xuất hiện phương án làm tuyến đê Gò Công – Vũng Tàu. Nếu phương án này được phê duyệt thì dự án đang thi công trên coi như vô dụng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT), khuyến cáo nếu chúng ta chưa có được những công cụ, những dự báo để tiên liệu trước những hậu quả sau khi công trình hoàn thành thì chưa nên tiến hành. Sau khi dự án đê biển Gò Công - Vũng Tàu hoàn thành thì liệu sông Lòng Tàu có còn nguyên hay môi trường bị tàn phá và mức độ bị tàn phá như thế nào sau khi dòng sông này bị tuyến đê biển chắn lại.
Cùng quan điểm với GS-TS Nguyễn Tất Đắc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường về vấn đề sông Soài Rạp sẽ bị nhiễm mặn, TS Thái Văn Nam, Phó khoa Môi trường (ĐH Khoa học Công nghệ) cho biết, khi bị bít, sông Lòng Tàu đứng trước nguy cơ ngập úng, nguy hại cho toàn bộ hệ sinh thái ở đây khi ngập úng sinh ra khí độc, tăng độ phèn.
Đại diện Sở TN-MT tỉnh Long An cho rằng, dự án triển khai trên sông Soài Rạp sẽ khiến tỉnh Long An bị ảnh hưởng rất lớn. Xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn trong khi để phát triển kinh tế, tỉnh cần 60% nước ngọt. Cảng Tân Lập sẽ còn hoạt động được hay không sau khi tuyến đê biển này chắn ngang trước cảng? Việc xây dựng cần được tính toán kỹ.
QUỐC HÙNG - HÀ VŨ