Tuy nhiên, có một số ngành sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 28,3%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại (tăng 22,4%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 8,4%).
Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 được Bộ Công thương gửi Thủ tướng mới đây cho thấy, các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 90% là xuất khẩu) dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%. Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi của 2 ngành này hiện chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu. Việc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng gặp nhiều vướng mắc vì đa số doanh nghiệp Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài. Do đó các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng chủ yếu để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phải cho thị trường trong nước. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.
Tương tự, ngành điện tử dự kiến cũng bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại thị trường Mỹ và châu Âu. Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh. Chỉ tính riêng Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 so với 51,38 tỷ USD năm 2019. Đối với ngành sản xuất đồ gỗ, nếu tình hình không được cải thiện, sau 1-2 tuần tới, các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên; khoảng 3-4 tuần tới, hầu hết các doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa chỉ có thể sản xuất cầm chừng, khoảng 10%-15% công suất nhà máy.
Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ theo hướng bền vững hơn… tránh phụ thuộc quá lớn vào một đối tác, một thị trường. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế hàng nhập khẩu.