Đêm trừ tịch ở Chiến khu D

Hương Mai
Đêm trừ tịch ở Chiến khu D

Đêm ba mươi ở khu rừng già tĩnh lặng lạ thường. Từ phía nghĩa trang Mã Đà tiếng gà rừng xen lẫn tiếng ve, tiếng suối róc rách tạo nên những âm thanh lạ lùng cứ đều đều ngân nga trong đêm tĩnh mịch. Trong khoảng đêm sâu mênh mông, Minh cố nhìn thật lâu khuôn mặt Hoàng, thằng bạn nối khố đã ba mươi năm nay. Cái thằng nổi tiếng “gàn” nhất lớp hồi còn học phổ thông kể cả thời đi bộ đội trên đất Campuchia với nhau. Bù lại, nó hát và đàn rất hay, chỉ mỗi tội là ai nói gì nó cứ cười cười không thèm đếm xỉa bình luận đúng sai. Tóc Hoàng đã bạc khá nhiều. Nằm đong đưa trên chiếc võng dù, thỉnh thoảng Hoàng lại ho sù sụ vì cơn bệnh suyễn kinh niên đeo đẳng, Minh thấy thương bạn nhiều quá.

Minh họa: Hương Mai

Minh họa: Hương Mai

Rời quân ngũ năm 1981, cả hai đều thi đậu đại học. Minh chọn ngành báo chí để có dịp bay nhảy thỏa thuê. Riêng Hoàng khăng khăng chọn học ngành lâm nghiệp. Ban đầu bạn bè trêu chọc nó hơi “mát mát” nhưng rồi thấy thái độ kiên quyết rất lạ thường của nó riết rồi cũng thôi. Càng lạ lùng hơn khi tốt nghiệp xong nó nằng nặc xin về công tác ở khu bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử chiến khu này dù rằng quê nó mãi tận Tiền Giang, còn quê vợ nghe nói ở Bà Điểm - Hóc Môn.

Mới đó đã hai mươi lăm năm trôi qua. Nó vẫn bám trụ nơi rừng thiêng này với niềm say mê rất lạ. Lúc chiều chở nhau trên chiếc xe cà tàng “sim sơn” của Hoàng, Minh rất ngạc nhiên khi nghe Hoàng kể vanh vách tên của hàng trăm loài gỗ quý như cẩm lai, trầm hương, chò chỉ, gõ đỏ, sao… hàng ngàn loài động, thực vật hiếm đang có nơi đây như bò tót, vọc, cá bơn, lưỡi mèo… Nó còn rành rọt về quy luật sống, thói quen, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với từng loại. Có lẽ chúng đã ăn sâu vào tâm trí nó rồi và chỉ cần thì xổ ra như những thước phim không lẫn vào đâu được. Nó thuộc làu đường đi nước bước của cả chiến khu rộng mấy mươi ngàn hécta này như ruộng vườn gia đình nó. Minh nghĩ mãi cũng không hình dung được vì sao nó nhớ dai đến như vậy?

- Mày định ở đây đến bao giờ? Còn vợ con tính sao?

- Biết sao bây giờ? Tao không thể bỏ rừng mà đi được.

- Tại sao? Minh xẵng giọng.

- Tao cũng không biết, nhưng… mà… đêm nay nói chuyện khác đi.

Hoàng quay quả bước vào lán trại dọn ra một ấm trà lá xanh nguyên chất mùi ngọt ngon ngót thơm dịu kèm một tô chè khoai mì nấu với mè. Ở đây được gọi là thành phố ba không, không điện thắp sáng, không sóng điện thoại di động, không có hàng quán. Hoàng bỗng cất giọng cười sang sảng trong đêm lạnh. Đôi mắt u uẩn của nó chợt ánh lên những tia rất lạ thường khi đăm đăm hướng về phía rừng sâu hun hút đầy tiếng gió hú.

Ấm trà thứ hai rồi thứ ba, thứ tư cứ tiếp nối nhau theo mạch kể chuyện của Hoàng. Hình như người ta đã quên đi sự cần thiết của những cánh rừng nguyên sinh và sẵn sàng triệt hạ không thương tiếc để trồng lại cây khác dù việc này cần thời gian đến vài mươi năm, thậm chí hàng trăm năm nữa. Đã vậy thỉnh thoảng lâm tặc cũng lén lút khai thác gỗ lậu quý hiếm làm máu của rừng tuôn chảy đến đau lòng. Hoàng kể thêm về tai nạn thảm khốc ngay trên mảnh đất chiến khu này đến nay mỗi khi nhắc đến ai cũng phải rùng mình. Ngày ấy hàng ngàn người kéo nhau về phá rừng để tìm vàng theo một lời đồn đại vu vơ nào đó. Rừng bốc cháy. Tiếng cuốc xẻng đào bới lén lút tạo nên những hố sâu thăm thẳm đen ngòm đang há miệng nuốt sống dân đào vàng. Và cái gì đến phải đến, hàng chục người bị vùi lấp bỏ thây khi hang sụp. Lần khác nó suýt bị bọn săn thú hiếm sát hại khi cố tình ngăn cản việc săn lùng bò tót, thú thuộc loại hiếm nhất ở chiến khu. Mặc. Nó bất chấp. Vả lại cái tính gàn gàn rất lính của nó không ai ngăn cản được.

Cơ quan này không ai còn lạ gì sự bất thường của người kỹ sư lâm nghiệp suốt ngày lặn lội chốn rừng sâu. Có khi nó đứng lặng hàng giờ trước các loại cây rừng bỗng dưng chết rụi không rõ nguyên nhân. Đào. Bới. Ghi chép. Trầm tư nghĩ ngợi. Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại mấy mươi năm qua không hề thay đổi. Có chăng là sự thay đổi trên mái tóc bờm xờm không chải chuốt nay đã hoa râm. Đổi lại nó đã đưa ra hàng loạt đề tài sáng kiến rất thành công để bảo vệ, gây rừng và động thực vật quý hiếm.

- Mày sống kham khổ quá rồi được gì khi đến tuổi về hưu? Tụi mình đã tuổi năm mươi rồi chớ có còn trẻ trung gì đâu, liệu tính toán cho cẩn thận. Không có mày cũng có khối người khác làm thay. Minh hằn học.

- Tao hiểu, nhưng nếu ai cũng như mày, cũng bỏ rừng, bỏ đồng đội, bỏ đây về thành phố thì chuyện gì sẽ xảy đến. Mà nè, tại mày chưa hiểu rừng đó thôi. Nếu hiểu, có khi mày lại mê hơn tao nữa thì sao? Nhà thơ Tố Hữu từng nói trong kháng chiến “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nếu xưa không có rừng, liệu nay có được cuộc sống hòa bình? Mà thôi số tao đã như vậy rồi, có gì mà hối tiếc.

Hoàng thản nhiên châm chọc rồi phá lên cười lồng lộng, nụ cười thật đôn hậu tự tin. Minh nhìn sâu vào đôi mắt của Hoàng và bắt gặp một điều gì đó rất bí ẩn, thâm u pha lẫn niềm tự hào đang ánh lên kỳ lạ. Bao giờ cũng thế, Hoàng luôn lạc quan yêu đời như bao gian khổ chưa từng đi qua đời nó.

Hoàng chậm rãi bước đến thắp hương ở tượng đài. Nó lẩm bẩm điều gì thiêng liêng lắm mà có lẽ chỉ mình nó mới hiểu được.

Tiếng ca sĩ nào đó văng vẳng từ chiếc radio cũ mèm đang lăn lóc trên chiếc võng của nó bỗng vang lên “… rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió. Tôi đến giữa rừng xanh, mà say trong hương rừng…”.

Đêm trừ tịch ở Chiến khu D sâu thăm thẳm thật lạ lùng.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục