Đến Bắc Ninh thăm Vạn Phúc Tự

Đến Bắc Ninh thăm Vạn Phúc Tự

Chùa Phật Tích còn được gọi là Vạn Phúc Tự được xây từ TK VII - X nằm ở sườn núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Thời Lý, chùa được xây cất rất hoành tráng đến thời Lê - Trịnh thì càng trở nên nguy nga tráng lệ. Qua thời gian, chùa Phật Tích không còn giữ được vẻ tráng lệ và đồ sộ như xưa nhưng vẫn xứng đáng là thánh tích ngàn năm của Phật giáo qua nhiều di sản văn hóa độc nhất vô nhị còn lưu lại.

Truyền thuyết gắn với địa danh

Dường như mỗi ngọn cỏ, hòn đá chung quanh chùa cũng gắn với vài sự tích hay truyền thuyết nào đó.  Đầu tiên là núi Lạn Kha- địa danh gắn liền với sự tích người gặp tiên. Vương Chất lên núi đốn củi thì gặp hai vị tiên đánh cờ, chàng dựa rìu vào đá mải mê xem. Hết ván cờ, hai tiên ông bay đi. Vương Chất cầm rìu toan đốn củi thì cán rìu đã bị mục nát. Thì ra, trong thời gian hai tiên ông chơi cờ, dưới trần thế thời gian đã trôi qua hàng trăm năm.

Tại đây vẫn còn di tích là một phiến đá vuông tương truyền là bàn cờ Tiên. Địa danh Tiên Du nhắc đến tích quan tri huyện Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp nàng tiên Giáng Hương bị bắt trói vì lỡ tay làm gãy cành hoa quý. Từ Thức bèn cởi áo dạ ra bồi thường xin tha cho tiên nữ.

Xưa kia nơi đây là cả một rừng hoa mẫu đơn. Sau chùa còn có giếng cổ tương truyền ở đáy giếng có rồng sống. Cuối cùng là truyền thuyết về tên chùa. Tương truyền xưa kia có lần ngọn bảo tháp cao bỗng nhiên đổ sụp xuống, để lộ ra tượng Phật mình vàng, lâu dần lớp sơn bong hết, hiện ra pho tượng Phật bằng đá đẹp tuyệt mỹ. Thế là người dân dựng chùa để thờ. Từ đó, chùa có tên là Phật Tích.

Và cổ vật đan xen truyền thuyết

Trải qua bao biến cố, giờ đây chùa xưa tháp cổ đã biến mất nhưng may thay vẫn còn đây những cổ vật quý. Đáng nhắc đến hơn cả là tượng phật A Di Đà có niên đại 1057- bảo vật quốc gia, cũng là tượng Phật được nhắc ở trên. Là pho tượng cổ nhất miền Bắc, cho đến nay tượng vẫn chiếm vị thế vô cùng quan trọng trong nền mỹ thuật dân gian cũng như Phật học nước ta.

Tượng A Di Đà trông thanh thoát, được chạm khắc trong tư thế đang ngồi thiền, mắt khép hờ, cổ 4 ngấn, mắt phượng hiền từ, tai to chảy dài. Nét hoàn mỹ trong điêu khắc thể hiện rõ nhất trên nếp áo cà sa. Áo được thiết kế cầu kỳ, có 2 lớp với nhiều nếp gấp chảy dài trên thân và vai áo, được chạm trổ rất tinh xảo. Tượng được làm bằng đá và đặt trên bệ gồm 5 tầng. Tầng trên cùng là đài sen có 15 cánh to nở rộ, viền mỗi cánh sen là những chạm trổ hình rồng đá thời Lý, các bệ còn lại hình bát giác cũng được viền quanh bằng các rồng đá.

Đến Bắc Ninh thăm Vạn Phúc Tự ảnh 1
Hàng linh thú trước cổng chùa trải qua gần ngàn năm đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Hàng linh thú trước tam quan chùa gồm 10 con đối xứng nhau nằm trên bệ đá cũng là những cổ vật có một không hai. Xếp theo thứ tự từ cổng chùa tỏa ra hai bên là lân (có người cho là sư tử), voi, trâu, tê giác và ngựa còn gần như nguyên vẹn.

Những linh thú được tạo trong thế chầu phục có người cho là có ý nghĩa quy phục Phật pháp. Nhưng có điều khác lạ là trong khi các con vật voi, trâu, tê giác và ngựa được chạm khắc phủ phục với hình dáng trông hiền lành và cam chịu thì con vật ở ngoài cùng là lân có vẻ khác hẳn.

Linh thú này có vảy trên mình như rồng, hai cánh nhỏ, đứng chứ không quỳ. Đặc biệt là mắt trừng đe dọa, miệng há rộng, vuốt giương, dáng vẻ như đang ngăn cản người khác quấy rầy chủ nhân.

Vì đây là chùa duy nhất ở Việt Nam có những linh thú như thế nên phải chăng dưới đất sâu kia là lăng mộ của một nhân vật quan trọng hay bậc đế vương nào đó? Và những linh thú được đặt tại đây để bảo vệ giấc ngủ của nhân vật đặc biệt này? Phải chăng cái lành lạnh của hoàng hôn làm trí tưởng tượng của du khách thêm bay bổng về nguyên nhân hiện hữu của hàng linh thú?

Vẫn chưa hết! Ngay tại giếng cổ tương truyền có rồng sống ở đáy giếng thì trong một lần khơi giếng, người dân phát hiện một đầu rồng ngậm ngọc. Chiều buông, hàng rồng đá trên mái ngói trông càng sống động khi những sợi nắng vờn quanh và hắt bóng xuống hàng phù dung. Sự đan xen giữa lung linh huyền ảo của truyền thuyết và hiện thực dường như càng được minh chứng.

Nếu có dịp đến đây, sau khi lễ chùa, chiêm ngưỡng cổ vật quý, bạn nên tản bộ ra khuôn viên sau chùa. Bạn sẽ bất ngờ với cảnh vật nơi đây. Đồi núi cây cối chập chùng xa xa. Đây đó là những ngọn tháp cổ nổi bật  trên nền cánh đồng đầy hoa cúc dại điểm xuyết vài nhánh hồng nhung đỏ rực. Dừng chân tại đây, có lẽ bạn sẽ tốn nhiều phim và thời gian hơn mình nghĩ.

Vy Hoàng

Tin cùng chuyên mục