
Hàng ngàn người đã qui tụ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 8-8-2007 để chứng kiến lễ đếm ngược thời gian tới Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Như vậy, chỉ còn đúng một năm nữa, Olympic Bắc Kinh 2008 sẽ khai mạc. “Đây không chỉ thuần túy là sự kiện thể thao” – phát biểu của Tu Mingde, phó chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc – “Ý nghĩa của nó vượt qua tầm quan trọng của bản thân thể thao”.
Diện mạo mới của Bắc Kinh

“Vũ động đích Bắc Kinh” tại Olympic 2008 được xem là cơ sở để Bắc Kinh trở thành điểm đến số một toàn cầu.
Ngân sách tổ chức thế vận hội không thấm vào đâu so với tổng ngân sách mà Bắc Kinh dành tân trang thủ đô nhân mùa Olympic. Chính phủ Trung Quốc đang chi 40 tỉ USD để làm lại hệ thống tàu điện ngầm, đường sá, sân vận động… Không khí háo hức càng lúc càng nóng dần. Lực lượng tình nguyện đã lên đến 550.000 người.
Thậm chí lễ rước đuốc cũng qui mô chưa từng có với 22.000 vận động viên vượt chặng đường 136.794km qua 5 châu lục trong đó có đỉnh Everest. Theo tác giả Stephen Wade (AP 4-8-2007), dường như chẳng có gì vượt tầm kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, thậm chí cả về thời tiết.
Tháng 7-2007, các nhà khí tượng học đã bắn hỏa tiễn lên không trung thử nghiệm làm phân tán đám mây mưa để bảo đảm có nắng suốt mùa Olympic; theo cùng cách, họ có thể tạo ra mưa, nếu cần, để làm sạch bầu không khí bụi bẩn tại Bắc Kinh. Vài trong 12 sân vận động mới đã hoàn thành, trừ Vận động trường quốc gia 91.000 chỗ ngồi (được gọi là “Tổ chim”). Tất cả sẽ hoàn thành vào cuối năm 2007. Hàng ngàn công nhân nhập cư đang thực hiện các dự án tân trang Bắc Kinh, trong đó riêng sân bay mới đã sử dụng 50.000 người.
Chính phủ Bắc Kinh tin rằng hàng trăm ngàn du khách cũng như 22.000 nhà báo sẽ được đón tiếp trong không khí thân thiện. Chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ cấm ít nhất 1/3 trong 3,3 triệu phương tiện giao thông trong 17 ngày Olympic (tức khoảng hơn 50.000 taxi và xe bus) cũng như đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm (hàng tỉ đôla đã được chi để dời các nhà máy công nghiệp cũ khỏi Bắc Kinh). Cần biết, tình trạng ô nhiễm tại Bắc Kinh hiện cao 2-3 lần mức cho phép của Tổ chức y tế thế giới; cao nhất châu Á từ 2000-2005 (không khí bụi bẩn có thể ảnh hưởng khả năng thi đấu của vận động viên).
Theo Asia Times, việc Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường để có 245 ngày bầu trời xanh trong năm 2007 (so với 241 ngày năm 2006) cho thấy Trung Quốc đã nhận thức rõ mức độ ô nhiễm thành phố như thế nào. Trong thực tế, các nỗ lực cải thiện môi trường đã ngốn ngân sách chính quyền Bắc Kinh khoảng 13 tỉ USD trong đó có chương trình trồng 28 triệu cây xanh tại nội-ngoại thị. Tuy nhiên, thành phố vẫn chỉ đạt được 110 ngày bầu trời xanh trong 6 tháng đầu năm 2007, ít hơn ½ mục tiêu. Số phương tiện giao thông cá nhân tại Bắc Kinh đã vọt lên 3 triệu vào năm 2006 và có thể tăng đến 3,3 triệu vào trước tháng 8 năm tới, khi Olympic khai mạc.
Tăng cường khổ luyện
Tại Trường thể thao Weilun ở Nam Quảng Đông, người ta không thấy gì khác hơn là không khí luyện tập căng thẳng. Một huấn luyện viên nói: “Với người phương Tây, phương pháp luyện tập của chúng tôi có vẻ quá khắc nghiệt nhưng chính vì chúng tôi bắt đầu từ những em rất nhỏ và khổ luyện chúng nên chúng tôi mới thành công trong môn thể dục”. Không phải tự nhiên mà người ta gọi những trung tâm đào tạo thể thao như vậy là “nhà máy”. Khắp Trung Quốc, gần 400.000 thiếu niên trong 3.000 môn thể thao đều đang miệt mài luyện tập. Hầu hết chúng đều được tuyển từ các trường tiểu học và được đưa đến “nhà máy” khi chưa đầy 9 tuổi, bất chấp chúng có yêu thích thể thao hay không.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chưa đầy hai thập niên tham gia Olympic, Trung Quốc (từng không tham dự trong nhiều thập niên trước để phản đối sự có mặt của Đài Loan) đã chuyển từ vị trí một kẻ ngồi chiếu sau với vỏn vẹn 5 Huy chương vàng tại Olympic 1988 để trở thành người khổng lồ trong làng thể thao thế giới với 28 Huy chương vàng tại Olympic 2000. Tại Olympic Sydney 2000, Trung Quốc đã leo lên hạng ba trong bảng tổng sắp huy chương, chỉ sau Mỹ và Nga. Và tại Olympic Athens 2004, Trung Quốc giành 63 huy chương trong đó có 32 Huy chương vàng, chỉ xếp sau Mỹ (102 huy chương với 36 Huy chương vàng).
Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã nhận được ủng hộ tài chính từ 60 nhà tài trợ (nhiều hơn gần 50% so với Thế vận hội Athens 2004). Chỉ riêng Adidas đã chi 100 triệu USD để được trở thành nhà tài trợ Olympic. Bắc Kinh không công bố chính thức ngân sách cho an ninh nhưng AP cho biết 300 triệu USD đã được chi cho công tác này (bằng 20% so với Thế vận hội Athens). Chính phủ Bắc Kinh hy vọng sau Olympic 2008 và sau Hội chợ quốc tế Thượng Hải 2010, Trung Quốc sẽ thay vị trí hàng đầu của Pháp, trở thành điểm du lịch số một thế giới vào khoảng năm 2014. |
Không như Mỹ, nơi thể thao đơn giản là trò chơi có thể được thương mại hóa, thể thao Trung Quốc là tinh thần dân tộc, nhằm xóa bỏ hình ảnh “thằng bệnh tật ốm yếu châu Á” từng được thực dân miêu tả hồi cuối nhà Thanh. Hiện thời, Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch “chiến lược Huy chương vàng” cho Olympic 2008.
Một trong những phần trong “chiến lược Huy chương vàng” là săn lùng tài năng, không chỉ tại thành phố mà cả vùng quê, chẳng hạn trường hợp bé gái Xu Jiamin (hiện 12 tuổi), con một gia đình nông dân tại Quảng Đông. Với cặp giò dài, thân ngắn và tay to, Xu Jiamin đã được nhắm đến như một vận động viên cử tạ triển vọng.
Năm 2003, Xu Jiamin được chuyển đến Trường Weilun và hiện em được huấn luyện 6 giờ/ngày (6 ngày/tuần). Em chỉ được về thăm bố mẹ một lần trong năm. Nhìn chung, trong hầu hết môn thể thao, Trung Quốc đều nhắm đến chương trình đào tạo từ độ tuổi rất nhỏ. Trung Quốc cũng đã giảm độ tuổi thi đấu bóng bàn từ 10 xuống còn 8 tuổi. Do vậy, hẳn không là sự lạ hay kỳ diệu gì khi Trung Quốc vét sạch tất cả Huy chương vàng bóng bàn tại Olympic Atlanta 1996 và Olympic Sydney 2000!
Khi tái tham dự Olympic vào năm 1984, Trung Quốc nhận ra rằng thể thao nữ của họ quá yếu. Thế là chiến dịch tăng tốc đào tạo nữ vận động viên được tiến hành. Kết quả: khi môn cử tạ nữ trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic 2000, Trung Quốc đã ôm 4 trong số 7 Huy chương vàng môn này. Nói cách khác, bất kỳ môn nào không là thế mạnh của Trung Quốc trong những mùa Olympic trước, nay đều được tập trung ở cường độ cao. Để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đang chú ý môn chèo thuyền và cả bóng chày (môn mà Trung Quốc chưa từng tham dự ở bất kỳ thế vận hội nào).
Còn ở các môn võ thuật, từ nhu đạo đến thái cực đạo, Trung Quốc đang vã mồ hôi khổ luyện công phu để đánh bại siêu cường Hàn Quốc và Nhật Bản. Cần nhắc lại, năm 1992, Trung Quốc giành 16 Huy chương vàng tại Olympic Barcelona và lập lại thành tích tương tự tại Olympic Atlanta. Đến Olympic Sydney, Trung Quốc gây ngạc nhiên với 28 Huy chương vàng, đứng hạng ba trong bảng tổng sắp, sau Mỹ và Nga. Và chỉ ba ngày sau khi Olympic Athens chính thức bắt đầu, Trung Quốc đã đem về cho đất nước 20 huy chương vàng. Đây là thành tích không thể không ghi nhận vì hơn 80% vận động viên Trung Quốc tham dự mùa Olympic 2004 đều bước vào đấu trường lần đầu tiên và tuổi trung bình của họ chỉ 23!
Lê Thảo Chi
Logo Bắc Kinh 2008 được đặt tên là “Dancing Beijing” (Vũ động đích Bắc Kinh), với chữ “Kinh” (trong “kinh đô”) được viết cách điệu. Biểu tượng Bắc Kinh 2008 là Fuwa (Phúc Oa), tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ); và khẩu hiệu Bắc Kinh 2008 là “One World, One Dream” (Đồng nhất cá thế giới, đồng nhất cá mộng tưởng – Một thế giới, một giấc mơ). |